Sáng 19/9 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức khởi công Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây là một điểm nhấn quan trọng trên con đường xây dựng ngành công nghệ vũ trụ hiện đại của nước ta.
Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á
Được xây dựng trên diện tích gần 9 ha tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có vốn đầu tư 54 tỉ yên Nhật từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là dự án đặc biệt quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”.
Các đại biểu nhấn nút khởi công dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. |
Đơn vị triển khai thực hiện và tiếp nhận dự án trọng điểm Quốc gia này là Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
“Dự án được đầu tư từ nay đến năm 2020. Khi hoàn thành, đây sẽ là Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á”, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết tại lễ khởi công dự án. Cụ thể, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được hoàn thành năm 2020 sẽ tạo nên hạ tầng công nghệ cơ bản ban đầu cho sự phát triển Công nghệ vệ tinh để Việt Nam có thể tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất riêng cho mình. “Khi đó, chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc thu nhận ảnh vệ tinh để kịp thời đưa vào ứng dụng một cách nhanh chóng, hiệu quả”, ông Châu Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam nói.
Để dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đưa vào triển khai, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã trải qua một quá trình xây dựng dự án rất dài. Từ những năm 1980, Viện đã nhận nhiệm vụ ứng dụng công nghệ vũ trụ thông qua chương trình INTERCOSMOS, chuẩn bị các nghiên cứu khoa học trên chuyến bay vào vũ trụ của nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân. Các viện thành viên của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã có hàng loạt nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ quản lí và bảo vệ môi trường Việt Nam. Năm 2002, Chính phủ đã giao Viện chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định Chiến lược và kế hoạch phát triển Công nghệ vũ trụ của Việt Nam nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, đưa công nghệ vũ trụ phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước. Tháng 6/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược này.
Một trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt của “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” chính là dự án xây dựng Trung Tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây là dự án đầu tư trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của đất nước. Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ xây dựng xong hạ tầng công nghệ. Năm 2017, vệ tinh đầu tiên sẽ được lắp ráp tại Nhật. Đến cuối năm 2020 sẽ có vệ tinh thứ 2 được lắp ráp tại chính Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Ba nhiệm vụ của dự án
Dự án gồm 3 thành phần chính, cũng là 3 nhiệm vụ phải thực hiện. Thứ nhất, hạ tầng kĩ thuật và cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Đông Nam Á đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, triển khai, ứng dụng đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ của Việt Nam. Thứ hai, chuyển giao công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất với cảm biến ra-đa hiện đại, có độ phân giải cao riêng của Việt Nam, dùng cho giám sát thảm họa thiên nhiên, quản lí tài nguyên môi trường và ứng dụng ảnh vệ tinh. Thứ ba, nguồn nhân lực và khả năng công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Nhật để có thể tự phát triển vệ tinh nhỏ và ứng dụng hiệu quả công nghệ viễn thám.
Ông Toshio NAGASE, Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Trong thực tế, chúng tôi sẽ cung cấp những kĩ thuật cũng như tài chính cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở, sản xuất và chế tạo 2 vệ tinh. Với việc chế tạo 2 vệ tinh này, chúng tôi hi vọng công nghệ vệ tinh của Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm mới. Mặc dù đây là dự án hợp tác đầu tiên của Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực vũ trụ nhưng chúng tôi ghi nhận những sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các nhà khoa học Việt Nam”. Cũng theo ông Toshio NAGASE, Nhật Bản không chỉ hỗ trợ vốn đầu tư mà còn hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Điều này nằm trong chiến lược hợp tác phát triển lâu dài của hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Nguồn nhân lực được đánh giá là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến sự thành hay bại của dự án. Do vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam đã có những chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho hay: “Ngay trong năm nay chúng tôi đã cử 24 người đi học vận hành trung tâm vũ trụ. Trong 3 năm tới, mỗi năm chúng tôi cử 36 kĩ sư sang học thạc sĩ vệ tinh tại 5 trường Đại học tại Nhật. Giáo sư của các trường này đã sang Việt Nam để tuyển chọn những kĩ sư có đủ năng lực sang học tại các trường đại học rồi lại chuyển vào thực hành tại các doanh nghiệp tại Nhật”.
Bài và ảnh: Hoàng Dương