Cách đây tròn 2 năm, nhiều doanh nghiệp ở Hưng Yên "cờ giong trống mở" và hứa hẹn rất rôm rả khi tham gia chương trình ủng hộ quỹ từ thiện để hỗ trợ nghười nghèo xây nhà ở do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh tổ chức.
Song đến nay, không ít doanh nghiệp sau khi trao tượng trưng số tiền lớn vẫn "bặt vô âm tín". Nhiều khoản tiền hàng trăm triệu đồng quyên góp được chỉ là những lời hứa... hão, bởi các "Mạnh Thường Quân" đã cao chạy, xa bay.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
* Lời hứa "gió bay" Còn nhớ, buổi phát động diễn ra khá hoành tráng tại một trung tâm hội nghị sang trọng, được phát trực tiếp trên sóng truyền hình địa phương vào ngày 19/5/2011 với chủ đề "Chung tay cùng người nghèo xây dựng nhà ở". Hàng trăm đại biểu là lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân đã tham dự và chứng kiến.
Khá nhiều doanh nghiệp đã đến trao tượng trưng số tiền hàng trăm triệu đồng và hứa "như đinh đóng cột": sẽ chuyển tiền mặt sau! Với cam kết ủng hộ này, nhiều cơ quan báo, đài đã hết lời ca ngợi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Người dân Hưng Yên cũng rất cảm kích trước sự hảo tâm đó. Song đã 2 năm trôi qua, đến nay không ít doanh nghiệp vẫn bặt vô âm tín, số tiền hứa ủng hộ giờ vẫn chỉ là trên giấy.
Theo thống kê của UBMTTQ tỉnh Hưng Yên, đến thời điểm này còn 15 doanh nghiệp đăng ký ủng hộ tổng số tiền gần 3 tỷ đồng, nhưng đã 2 năm nay vẫn chưa thấy đâu. UBMTTQ tỉnh đã có công văn gửi các doanh nghiệp này mà không có hồi âm.
Điển hình là công ty xây dựng PH, công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bách Giang, công ty cổ phần tập đoàn Phúc Lộc, công ty May Hồ Gươm, công ty cổ phần Yên Sơn... mỗi đơn vị đăng ký ủng hộ từ 200 đến 500 triệu đồng. Sau khi hăng hái cam kết trao tặng tại buổi phát động được đưa trên trên truyền hình, các khoản tiền ủng hộ của 15 đơn vị này vẫn chỉ dừng lại ở việc trao... tượng trưng!
Câu chuyện trách nhiệm xã hội bị 15 doanh nghiệp kể trên biến thành lối hành xử vô trách nhiệm khi "im hơi lặng tiếng" sau lời hứa. Dư luận cho rằng đây chỉ là hạ sách "đánh bóng tên tuổi", trong đó một số công ty năng lực tài chính có "vấn đề". Thực chất làm từ thiện cũng chỉ vì cái danh, cái lợi, để "quảng cáo" cho công ty mình mà quên mất nghĩa cử cao đẹp là chia sẻ, nâng đỡ, hỗ trợ những cảnh đời bất hạnh. Do vậy lời hứa có cánh dễ... bay đi.
Cũng với kiểu làm từ thiện trên, mới đây ở Hưng Yên có doanh nghiệp sản xuất bình nóng lạnh năng lượng mặt trời đi vào hoạt động. Doanh nghiệp cam kết sẽ hỗ trợ, ủng hộ một số lượng nhất định thiết bị này cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều xã đã huy động cán bộ đi tìm hiểu nhu cầu của các gia đình, nhiều bà con phấn khởi đăng ký trước. Thế nhưng, đợi mãi không thấy doanh nghiệp thực hiện lời hứa .
* Cơm áo không đùa với... doanh nghiệp "hảo tâm" Đối với những doanh nghiệp được cho là "hảo tâm thực sự" thì chuyện làm từ thiện cũng có khá nhiều "vấn đề". Ở Hưng Yên đang xuất hiện không ít doanh nghiệp "mượn" danh nghĩa làm từ thiện để phục vụ mục đích trục lợi với nhiều mánh khóe. Nhiều đơn vị ra "thông điệp" với địa phương mà họ ủng hộ theo ý đồ "thả con săn sắt, bắt con cá sộp". Dù không nói ra nhưng cách xử sự thì cho thấy: Khi được duyệt xong dự án này nọ, thì địa phương mới nhận được tiền "từ thiện"... Rồi lượng tiền ủng hộ còn tùy thuộc vào mức độ dự án lớn hay nhỏ để doanh nghiệp "nhòm giỏ bỏ thóc" sao cho hợp lý.
Làm "từ thiện" đang là mốt để doanh nghiệp quảng bá, tăng mối quan hệ làm ăn. Như trường hợp công ty TNHH xây dựng ở một huyện "bỗng dưng" ủng hộ khá nhiều khoản tiền vào và các quỹ từ thiện, các hoạt động của địa phương, kể cả việc xây dựng đình chùa; thậm chí tổ chức "từ thiện" cho cán bộ chủ chốt đi du lịch. Cùng với đó, doanh nghiệp này trúng thầu thi công hầu hết các công trình xây dựng lớn nhỏ trên địa bàn. Dư luận ngán ngẩm: làm từ thiện kiểu này chẳng qua là "mỡ nó rán nó" cả, tiền từ thiện không phải từ lợi nhuận của công trình dự án thì doanh nghiệp lấy ở đâu ra?
"Khoác áo" từ thiện, nhiều doanh nghiệp còn khéo léo với muôn cách làm hấp dẫn, cảm kích lòng người. Một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có dự án ở Hưng Yên "hào phóng" bỏ ra một khoản tiền gọi là "tiếp sức" cho người nghèo vốn vay không lãi suất và vật tư để phát triển sản xuất, rồi đến các phần quà ưu đãi khuyến khích.
Đáng chú ý, công ty không quên "khua chiêng gõ trống" rầm rộ đưa tin trên báo đài đã làm dư luận cảm động, khi chứng kiến người được hỗ trợ trả lời phỏng vấn rưng rưng nước mắt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Nhưng khi thấy doanh nghiệp chỉ "khoanh vùng" ở vài huyện mà không mở rộng ra nơi khác ở lân cận, dư luận mới vỡ lẽ: vì doanh nghiệp có dự án ở "huyện ấy" nên chỉ "phủ sóng" từ thiện ở đó mà thôi, hơn nữa cũng là để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm của đơn vị mình.
Đối với những doanh nghiệp không thu được "chân giò" thì việc "thò chai rượu" là điều không thể, cho nên chuyện "nuốt" lời hứa làm từ thiện cũng là dễ hiểu. Như Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư P.H trong "top 15" nhà hảo tâm kể trên. Sau khi trúng thầu dự án xây dựng khu nhà cho người thu nhập thấp ở thành phố Hưng Yên tổng kinh phí 500 tỷ đồng, ngay tại lễ khởi công đơn vị này đã trao tặng Quỹ người nghèo của tỉnh một tấm biển ghi tượng trưng số tiền "500 triệu đồng".
Nhưng, nay khoản tiền này chưa thấy đâu cùng sự mất hút của doanh nghiệp và dự án vẫn đang "đắp chiếu". Dư luận nhân dân thành phố Hưng Yên nghi ngờ năng lực tài chính của đơn vị này có vấn đề, vì dự án của công ty động thổ đã 2 năm nay giờ vẫn "dậm chân tại chỗ", nói gì đến khoản 500 triệu từ thiện.
Việc ủng hộ quyên góp làm từ thiện là tự nguyện, thể hiện sự hảo tâm đúng nghĩa. Nhưng hứa hẹn rồi "quên", không thực hiện như cam kết, lấy việc ủng hộ như sự "đổi chác" để trục lợi, là xem thường và làm mất đi giá trị và mục đích cao đẹp của việc từ thiện. Cần phải loại bỏ kiểu làm từ thiện mang tính hình thức trống rỗng nói trên, để trả lại ý nghĩa nhân văn cho truyền thống "lá lành đùm lá rách" vốn có của người Việt.
Mai Ngoan