Tại lớp 4C Trường Tiểu học Pha Long, cô giáo Vũ Thị Thu Thảo đang giảng dạy bài “Ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên”. Bài giảng sinh động khiến những học trò người Kinh, người Mông, Dao, Tày, Nùng… như ngược về với cội nguồn dân tộc, về với truyền thống vẻ vang anh hùng của công cuộc dựng nước và giữ nước, tinh thần kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm và tình yêu đối với quê hương đất nước cũng như tấm lòng bao dung, yêu hòa bình của cha ông.
Phía ngoài Trường Tiểu học Pha Long, nắng sớm tháng Hai trải dài trên rẻo đất từng “nám đen” đạn pháo, thấm xương máu biết bao người lính và đồng bào các dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cho quân thù phơi xác tại đây. Đó là chuyện của bốn mươi năm trước.
Còn gần ba mươi năm trở lại đây, mọi thứ đã khác nhiều. Cái “khác nhiều” đó như bà Sềnh Mây Dín, bốn mươi năm trước là thiếu phụ từng nuôi giấu bộ đội địa phương bị thương khi chặn xe tăng địch nghiến bánh xích sắt lên đất quê hương, nay bà Sềnh Mây Dín là phụ nữ tiêu biểu trong xây dựng phát triển kinh tế tại xã Pha Long. Những ngôi nhà mái bằng khang trang như của vợ chồng bà Sềnh Mây Dín hay nhiều ngôi nhà cao tầng khác ở nơi “cổng trời khô khát” này đã thay cho những dãy phố cháy đen, những ngôi nhà bị giật sập, những cột điện bị mìn bẻ cong năm xưa.
Từ ngày có cây cầu bắc qua con sông Chảy nối Mường Khương sang Si Ma Cai, Pha Long như được lột xác. Cây cầu này là con đường chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và cũng là con đường nối tour du lịch từ Tây sang Đông của Lào Cai, gồm Sa Pa - thành phố Lào Cai với Mường Khương đi Si Ma Cai - Bắc Hà và nối với tỉnh Hà Giang. Trên những con đường quanh co uốn lượn của vùng núi đá, những chiếc xe máy dần thay thế cho ngựa thồ trước kia giúp người dân dễ dàng hơn trong việc đi lại, giao thương với bên ngoài. Nông sản làm ra đã có thương lái đưa xe ô tô vào tận thôn bản thu mua. Rồi công trình thủy lợi cũng được đầu tư nhờ nguồn vốn 135, giải quyết được cơn “khát” cho những thửa ruộng vào mùa khô.
Cách Pha Long hơn 20km, sắc xanh cũng đang sinh sôi ở thị trấn Mường Khương. Những đồi cam, quýt mọc lên ngút ngàn tầm mắt, giao thông đã được rộng mở, trường học, trạm y tế được xây dựng. Cuộc sống của người dân vùng biên ải đang vơi bớt cái ám ảnh của nghèo khó một thời. Nơi núi non trập trùng hùng vĩ đã mang cảnh sắc thị tứ bởi nhiều cửa hàng, cửa hiệu treo biển quảng cáo sặc sỡ.
Nhìn màu xanh đang đâm chồi ở Mường Khương, lại nhớ những vườn cam, vườn quýt của anh Vàng Phà Quán tại thị trấn Mường Khương, mỗi năm giúp anh này thu nhập được khoảng trên 200 triệu đồng. Vườn cam, quýt ấy, như anh Quán nói, còn giúp nhiều gia đình ở đây đổi đời. Những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cam, quýt giờ đây không còn là chuyện hiếm ở thị trấn Mường Khương.
Bà Hạ Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương công nhận điều này và còn tự hào kể thêm: "Cây quýt cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 3, 4 lần so với những cây trồng truyền thống khác và đang giúp người dân nơi đây dám nghĩ tới chuyện làm giàu từ cây ăn quả này".
Trời về chiều. Hoàng hôn đổ bóng trên khắp mảnh đất biên cương Mường Khương, Pha Long của Tổ quốc. Ráng đỏ soi lên tấm bia trấn ải dựng bên tay phải đồn tiền tiêu Pha Long, nhìn rõ những dòng chữ in trên bia đá: Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non.
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ.
Nghĩa là: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.