Khắc phục ô nhiễm môi trường hồ nội thành

Trong hai ngày qua, Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội đã tiến hành vệ sinh và hút bớt nước hồ Ngọc Khánh. Tảo chết, rác rưởi và nước cống thối được xác định là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm hồ trong thời gian qua.

Trong hai ngày qua, Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội đã tiến hành vệ sinh và hút bớt nước hồ Ngọc Khánh. Tảo chết, rác rưởi và nước cống thối được xác định là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm hồ trong thời gian qua.

Ô nhiễm trầm trọng

Theo phản ánh của người dân quanh khu vực hồ Ngọc Khánh, khoảng một tháng nay, toàn bộ nước hồ màu xanh lục, sủi bọt, bốc mùi... cộng thêm thời tiết oi bức khiến bầu không khí hôi thối khó chịu. Ai đi qua cũng phải bịt mũi rảo chân bước thật nhanh qua góc hồ Ngọc Khánh, hướng phố Phạm Huy Thông. Các nhà dân luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài".
Bà Bạch Thị Hồng, người thường xuyên tập thể dục quanh hồ Ngọc Khánh cho biết: “Hồ này trước cũng đã ô nhiễm, hơn một năm nay đã được thành phố cải tạo, xây dựng bờ kè khang trang sạch sẽ nhưng khoảng một tháng nay mùi hôi thối lại ngột ngạt. Người dân nghi ngờ nước thải vẫn chảy vào hồ dẫn đến ô nhiễm”.

“Mấy ngày nắng nóng khiến tình trạng ô nhiễm quanh hồ Ngọc Khánh càng trầm trọng, người dân không muốn tập thể dục, nếu có tập thì đeo khẩu trang. Hàng quán cũng ế ẩm do mùi hôi thối. Cư dân ở đây đã gửi đơn phản ánh tới các cấp ban ngành thành phố đề nghị sớm xử lý. UBND phường Ngọc Khánh cũng đã đề nghị Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội và Chủ nhiệm thi công công trình để truy tìm nguyên nhân gây ô nhiễm và yêu cầu có biện pháp giải quyết trong thời gian sớm nhất”, ông Đinh Văn Hiền, Tổ phó tổ dân phố 19, phường Ngọc Khánh cho biết:

Công nhân vớt tảo chết ở hồ Ngọc Khánh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, sau khi được cải tạo, nước xung quanh rỉ vào là điều kiện xuất hiện tảo lục. Sau giai đoạn phát triển, tảo sẽ chết và nổi lên mặt hồ thành từng đám bọt phân hủy gây ra mùi thối. Quá trình này diễn ra khoảng 1 đến 1,5 tháng rồi tự hết.

Hồ Ngọc Khánh cải tạo với số vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng và chưa bàn giao cho chính quyền địa phương vì chưa hoàn thiện đầy đủ quy trình hồ sơ. Về nguyên nhân ô nhiễm, bên cạnh ô nhiễm về tảo chết, phía cửa cống bên đường Nguyễn Chí Thanh trong thời gian thử nghiệm đôi khi lẫn nước thải vào hồ, đồng thời một số người dân vô ý thức xả rác xuống hồ nên có hiện tượng ô nhiễm. “Đơn vị thi công đang cho rắc vôi bột, bơm hóa chất trên mặt nước hồ để ngăn tảo lục phát triển, cử người vớt mảng thối đang phân hủy… Tính đến thời điểm hiện tại, gói thầu này vẫn đang được nhà thầu gấp rút triển khai đúng tiến độ và vẫn thuộc quản lý của nhà thầu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Tập trung cải tạo

Theo UBND phường Ngọc Khánh, hồ Ngọc Khánh trước cải tạo có các cửa xả nước thải của các hộ dân sống quanh hồ. Hồ có một cửa lưu thông lớn để nước từ trong hồ có thể chảy ra và khi trời mưa lớn nước trên đường Nguyễn Chí Thanh đổ vào. Trước cải tạo, kết quả phân tích nước hồ cho thấy, các chỉ số ô nhiễm đều vượt từ 2 đến hàng chục lần cho phép.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, dự án đầu tư cải tạo nước mặt hồ Ngọc Khánh thuộc gói thầu bổ sung 6.4 thuộc dự án thoát nước giai đoạn II của thành phố. Hồ Ngọc Khánh khi cải tạo đã xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải bao quanh hồ và bơm ra mương 36A chảy vào hệ thống thoát nước thải chung thành phố. Do đó, nước trong hồ chỉ chứa nước mưa và điều tiết mực nước trong khu vực khi trời mưa. Hiện hồ Ngọc Khánh vẫn trong giai đoạn thử nghiệm chưa tích nước. Nước trong hồ hiện nay có thể do rỉ nước xả thải xung quanh.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, thành phố Hà Nội có 130 hồ trong công viên, hồ điều hòa, hồ cải tạo cảnh quan đô thị với tổng diện tích 1.300 ha; trong đó, có 67 hồ đã được cải tạo kè tách nước thải, xây dựng hạ tầng quanh hồ, tạo tiểu cảnh công viên quanh hồ, 63 hồ chưa được cải tạo. Trong các hồ chưa được cải tạo đã có 32 hồ có dự án đang chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới. Đối với các hồ chưa cải tạo vẫn còn tình trạng vi phạm lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ, môi trường nước hồ bị ô nhiễm mất mỹ quan đô thị, diện tích bị thu hẹp dẫn đến giảm khả năng điều hòa thoát nước.

“Riêng với dự án thoát nước giai đoạn II triển khai từ năm 2012 đến nay đã cải tạo 13 hồ nội thành nhằm điều hòa thoát nước, cải thiện cảnh quan môi trường khu vực. Hiện có 6 hồ hoàn thành vận hành điều hòa thoát nước, còn 7 hồ còn lại đang khẩn trương hoàn thiện và hoàn thành vào 6/2016, trong đó có hồ Ngọc Khánh”, ông Võ Nguyên Phong cho biết.

Trước thực trạng nước hồ Ngọc Khánh sau cải tạo ô nhiễm gây bức xúc trong người dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có văn bản giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo tiến độ, quá trình triển khai cải tạo hồ Ngọc Khánh, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố.


Bài và ảnh: Xuân Cường
Kêu gọi dừng ngay các hoạt động làm ô nhiễm hồ
Kêu gọi dừng ngay các hoạt động làm ô nhiễm hồ

Hưởng ứng chương trình “Ngày Trái đất 2014”, ngày 20/4, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), các tổ chức hoạt động môi trường đã tổ chức tuyên truyền với chủ đề “Chung tay giữ sạch hồ Hà Nội: Dừng ngay các hoạt động làm ô nhiễm hồ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN