Tham dự chương trình có các chuyên gia trí thức kiều bào, chuyên gia và nhà quản lý trong nước và đại diện Ngân hàng thế giới.
Đây là sự kiện nhằm kết hợp một cách chủ động giữa các cơ quan, đoàn thể ở trung ương và địa phương trong việc triển khai thu hút, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào trong sự nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đại biểu tập trung chia sẻ các bài học khởi nghiệp thành công, kinh nghiệm kết nối chuyên gia trí thức kiều bào với các đối tác trong nước. Năm 2016 là năm đánh dấu bước khởi phát quan trọng trong trào lưu hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với hơn 110.000 doanh nghiệp mới thành lập.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chất lượng doanh nghiệp Việt khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới”. Theo ông Trần Văn Tùng, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc thu hút, khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết, trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam trên toàn cầu rất quan trọng, nhất là trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc, sớm đưa Việt Nam trở thành đất nước hiện đại, phát triển bền vững.
Điểm mới của gặp gỡ 2017 là sự tham gia tích cực của các cựu du học sinh quốc tế. Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng, hiện có trên 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thuộc nhiều thế hệ, trong đó có khoảng 10% có trình độ khoa học và công nghệ cao trên các lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước. Con số này có thể chưa tính đến hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam đang học các hệ cao đẳng công nghệ đến đại học, trên đại học của thế giới, nhất là các nước có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển.
Cùng quan điểm trên, theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV, con số 400.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên là một vốn quý của đất nước. Tuy nhiên, hàng năm có 200 – 300 lượt chuyên gia về nước, con số này là rất nhỏ bé, như “muối bỏ biển”. Do vậy, chúng ta cần một giải pháp, cơ chế đột phá để tăng số chuyên gia về nước, nếu không rất lãng phí nguồn lực này. Bên cạnh đó, chúng ta mới chú trọng đến năng lực, trình độ của người Việt Nam ở nước ngoài mà còn thiếu sót trong tận dụng mối quan hệ của họ với các cơ quan, tổ chức quốc tế để đưa các nhà khoa học, nhà đầu tư cũng như công nghệ tiên tiến của nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm để thu hút, tận dụng nguồn lực kiều bào giỏi về khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ phát triển đất nước. Ông Nguyễn Vinh (Kiều bào Hoa Kỳ) cho rằng, số lượng chuyên gia kỹ thuật Việt Nam trên thế giới rất lớn, nên việc phát huy nguồn lực này cần đẩy nhanh; đồng thời chúng ta xây dựng cộng đồng mạng để phát huy tổng hợp sức mạnh để phát triển đất nước. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã hội nhập toàn cầu, chúng ta sử dụng chung kiến thức với thế giới nên cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân lực qua mạng toàn cầu.