Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành Giao thông vận tải

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định số 1191/QĐ-BGTVT về Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK), đáp ứng mục tiêu “Đóng góp không điều kiện” trong Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đến năm 2030 giảm 5,9% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU), tương ứng giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ. Cụ thể, năm 2025 giảm 3,4 triệu tấn CO2tđ; năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn CO2tđ; giai đoạn đến năm 2030 giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ.

Chú thích ảnh
Trong bối cảnh phương tiện gia tăng, việc kiểm soát KNK của phương tiện là vấn đề cấp thiết.

Theo thống kê của Bộ GTVT, từ năm 2014 - 2021, 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải, ngành GTVT đã phát thải hơn 44,2 triệu tấn CO2tđ. Dựa trên các dữ liệu đầu vào, kết quả ước tính lượng phát thải KNK theo kịch bản BAU của ngành GTVT được dự báo sẽ tăng trung bình 6 - 7%/năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030. 

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ GTVT đã xây dựng nhiều giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong các lĩnh vực GTVT theo “Đóng góp không điều kiện” như: Giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới theo lộ trình đến năm 2030, đảm bảo 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100 km; 100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu, gồm ô tô con dung tích động cơ <1.400cc đạt 4,7 lít/100 km, ô tô con dung tích động cơ từ 1.400 - 2,000 cc đạt 5,3 lít/100 km, ô tô con dung tích động cơ >2.000 cc đạt 6,4 lít/100 km.

Bên cạnh đó, ngành GTVT chuyển đổi phương thức vận tải hành khách từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, với lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng tại các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị loại I, đảm bảo tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 - 50%; TP Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25 - 35%; Cần Thơ đạt 20%... Đến năm 2030 có 1 tuyến xe buýt nhanh (BRT) hoạt động tại Hà Nội, 2 tuyết BRT/buýt chất lượng cao hoạt động tại TP Hồ Chí Minh và 1 tuyến BRT/buýt chất lượng cao hoạt động tại Đà Nẵng. Riêng đường sắt đô thị, ngoài tuyến đường sắt đô số 2A Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, dự kiến đến sẽ có thêm đoạn trên cao của Tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội ở Hà Nội vào cuối năm 2024 và tuyến số 3 sẽ được hoàn thành và khai thác vào năm 2030, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP Hồ Chí Minh sẽ được đưa vào vận hành từ quý IV/2024.

Bộ GTVT cũng sẽ chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt theo lộ trình và thời gian thực hiện giai đoạn 2024 - 2030, gồm cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đảm bảo đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%.

Ngoài ra, Bộ GTVT đặt mục tiêu chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thủy nội địa và đường ven biển, đảm bảo đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; sử dụng xe buýt CNG tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tăng hệ số tải của ô tô tải; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học; sử dụng xe máy điện và ô tô điện; sử dụng xe buýt điện. 

Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ củ thể lộ trình thực hiện cho các cục, vụ, đơn vị chuyên ngành thực hiện các giải pháp trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn vốn xã hội hóa, các nguồn vốn hợp pháp khác... để trình Bộ GTVT phê duyệt trong giai đoạn từ năm 2024 - 2030.

TH/Báo Tin tức
Giảm phát thải khí nhà kính từ việc ban hành tín chỉ carbon
Giảm phát thải khí nhà kính từ việc ban hành tín chỉ carbon

Ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN