ILO hỗ trợ xóa bỏ tình trạng lao động sớm ở trẻ em

Đồng Nai là một trong năm địa phương của cả nước nằm trong dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ.


Mục tiêu của dự án nhằm góp phần phòng ngừa và từng bước xóa bỏ hiện trạng lao động trẻ em thông qua việc hỗ trợ chương trình có thời hạn ở Việt Nam và Đồng Nai. Đồng thời, góp phần cải thiện cơ sở thông tin dữ liệu quốc gia và của tỉnh về lao động trẻ em, từng bước cải thiện điều kiện sống và nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội về lao động trẻ em.

Tình trạng trẻ em lang thang bán vé số vẫn khá phổ biến (ảnh mang tính chất minh họa).


Theo thống kê chưa đầy đủ từ Chi cục Bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em (BTXH&BVCSTE) tỉnh Đồng Nai, năm học 2008-2009 toàn tỉnh có 5.497 học sinh trong tổng số 535.108 học sinh bỏ học, chiếm 1,24%.


Trong đó, cấp tiểu học có 419 học sinh bỏ học mà nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn (chiếm 42,48%)... Các địa phương có tỉ lệ học sinh bỏ học cao là Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều hơn phải kể đến là cấp THCS có tới 2.867 học sinh bỏ học.

Khảo sát sơ bộ tại hai xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) và Phú Ngọc (huyện Định Quán) nằm trong dự án của tỉnh cho thấy, toàn xã Mã Đà hiện có trên 2.200 trẻ em dưới 16 tuổi và đây là xã cơ bản phổ cập chương trình THCS. Song thực tế tại đây chỉ có khoảng trên chục em đang theo học bậc THPT. Khoảng 291 trẻ em phải lao động sớm chủ yếu là do kinh tế gia đình quá khó khăn.

Và vì điều kiện khó khăn, các điểm trường xa nhau nên gần 30% số học sinh trong độ tuổi đã nghỉ học, tham gia vào các hoạt động lao động sớm. Xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cũng là một xã có nhiều trẻ em phải tham gia lao động sớm. Theo thống kê, công việc mà các em đang làm chủ yếu là đan lát, cạo hạt điều, đánh bắt cá, làm rẫy thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục BTXH&BVCSTE, với những thuận lợi về phát triển kinh tế nên Đồng Nai thu hút người lao động mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đến làm việc và sinh sống, trong đó đặc biệt là lao động trẻ em. Những công việc thu hút nhiều lao động trẻ em là: Mót mủ cao su, bán vé số dạo ở khu đô thị phát triển, đánh bắt cá, làm thuê trên rẫy, làm việc hợp đồng gia công trong các khu công nghiệp, các xưởng mộc, các cơ sở sản xuất của tư nhân…

Nhìn chung lao động trẻ em Đồng Nai không tập trung mà gần như trải đều ở tất cả các địa phương. Trong đó đáng quan tâm là tình trạng trẻ em bán vé số dạo và mót mủ cao su, làm phụ trong các cơ sở sản xuất lò gạch, gốm sứ, đan lát, chế biến hạt điều… đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe và học tập của các em.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là mỗi năm Đồng Nai có khoảng 50.000 người từ các nơi khác chuyển đến sinh sống, trong khi số trẻ em của tỉnh được sinh ra mỗi năm chỉ khoảng 38.000 em.


Con số gần 2,5 triệu dân của Đồng Nai là con số đã được thống kê qua việc đăng ký hộ khẩu thường trú, còn thực tế Đồng Nai có bao nhiêu người đang sinh sống, trong đó có không ít trẻ em theo gia đình về Đồng Nai nhập cư chưa được học hành, phải lao động kiếm sống thì khó thống kê đầy đủ. Đấy là chưa kể, trong các dịp nghỉ hè, trẻ em từ các tỉnh khác kéo về đây bán vé số, đánh giày, xin ăn... ở các bến tàu, bến xe, các chợ cũng không phải ít.

Với tình hình trẻ em bỏ học và trẻ em phải tham gia lao động như trên, các ban, ngành của tỉnh Đồng Nai cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác phối hợp đưa các em trở lại trường với hình thức như: Hỗ trợ học bổng, xây dựng nhà tình thương, giúp gia đình vay vốn sản xuất phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống… Thế nhưng, những nỗ lực này vẫn chỉ hạn chế được phần nào số trẻ em phải bỏ học để kiếm sống vì số lượng các em thường xuyên biến động qua các năm.

Theo các chuyên gia về vấn đề lao động, từ thực trạng trên cho thấy, muốn ngăn ngừa và xóa bỏ tình trạng lao động sớm ở trẻ em cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Mặt khác, khi nhận thức của cộng đồng được nâng lên, vấn đề thực hiện các quyền đối với trẻ em, trong đó có quyền được học hành, vui chơi sẽ dễ dàng hơn.


Song để ngăn ngừa và đi đến xóa bỏ hoàn toàn tình trạng trẻ em lao động sớm là điều không dễ và đang đặt ra cho các ngành, các cấp ở Đồng Nai những câu hỏi, từ đó tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để từng bước giảm bớt số trẻ em bỏ học, tiến tới không còn trẻ em phải tham gia lao động sớm.

Minh Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN