Hoạt động chăm lo cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đang được Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành và địa phương thực hiện ra sao, thưa ông?
Để chuẩn bị cho nhân dân vui xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 26 về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, trong đó có một số điểm lớn chỉ đạo cả hệ thống chính trị quán triệt và tổ chức triển khai.
Thứ nhất là về phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Thứ hai là các cấp, các ngành phải chủ động, tích cực việc thực hiện tốt các chính sách an sinh, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của người dân; nhất là nhóm đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lụt, bão, dịch bệnh; công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, thiếu việc làm, những đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện Chỉ thị 26 của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung làm tốt công tác này. Trong đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 30 ngày 15/12/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm cho người dân đón Tết an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các địa phương phải nắm chắc tình hình đời sống của nhân dân, nhất là những đối tượng chính sách, nhóm người lao động bị ảnh hưởng như nhóm mất việc làm, thu nhập để có những giải pháp mà hỗ trợ phù hợp với từng nhóm, từng hộ.
Căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai những nội dung này và đưa ra giải pháp cụ thể, bảo đảm các địa phương triển khai kịp thời. Theo đó, các địa phương nắm chắc, đúng đối tượng; đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Trong đó, Bộ LĐTBBXH chỉ đạo các địa phương phải chủ động huy động mọi nguồn lực từ ngân sách của địa phương, nguồn lực từ xã hội hóa, nguồn lực từ doanh nghiệp và toàn xã hội để giúp cho người dân với phương châm bảo đảm không có một người dân nào thiếu đói. Tiếp đó là bảo đảm tất cả các hộ gia đình đều có Tết ấm no, đầm ấm.
Bên cạnh việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho người dân, việc tổ chức triển khai chính sách của Nhà nước tới người dân phải bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, không được để sau Tết mới triển khai.
Các địa phương phải kịp thời triển khai hoàn tất mọi công việc hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là hộ gia đình thiếu đói, hộ gia đình khó khăn hoàn thành trước Tết càng sớm càng tốt; trong đó có những hình thức hỗ trợ phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất với những người có công như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ lão thành. Tiếp đó là nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn như người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân vùng bị thiệt hại ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tiếp đến là nhóm công nhân, người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất mà xa nhà, xa gia đình, người giảm việc làm, mất việc làm.
Đây là các nhóm mà Bộ LĐTBXH chỉ đạo các địa phương chú trọng phân loại và thực hiện việc nắm bắt tình hình đời sống và có những biện pháp hỗ trợ cho người dân một cách phù hợp, chú trọng huy động tối đa nguồn lực xã hội, cộng đồng hỗ trợ cho các nhóm này.
Từ hướng dẫn này, việc hỗ trợ Tết cho các nhóm đối tượng trên từ nguồn ngân sách được các địa phương triển khai như thế nào, thưa ông?
Về hỗ trợ Tết, Bộ LĐTBXH sớm có văn bản chỉ đạo cho các địa phương về xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng chính sách. Theo tổng hợp nhanh của các địa phương, hiện nay, việc tổ chức Tết, thăm, chúc Tết, tặng quà, đặc biệt đối với cơ sở trợ giúp xã hội, một số cơ quan đóng ở vùng sâu, vùng xa, lực lượng vũ trang ở vùng khó khăn, các địa phương cũng có phương án hỗ trợ từ 5 triệu đến 15 triệu đồng đối với một cơ sở, một đơn vị.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết và phương án hỗ trợ cho những nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó cũng đang dự kiến mức phổ biến là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/đối tượng,
Những địa phương có điều kiện ngân sách lớn hơn như TP Hồ Chí Minh đang dự kiến chi khoảng 915 tỷ đồng, tăng hơn so với năm trước. TP Hồ Chí Minh dự kiến chi từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/đối tượng với khoảng 475.000 suất quà. Hà Nội cũng dự kiến tặng quà cho những đối tượng chính sách, người gặp khó khăn với khoảng 558 tỷ đồng, trong đó có các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo tặng mức quà khoảng 300.000 đồng/người, tặng mức quà khoảng 500.000 đồng/người với lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, các địa phương lập kế hoạch tổ chức các đoàn tổ chức đi tặng quà cho người dân. Bên cạnh đó, đối với những cơ sở thuộc ngành lao động chăm sóc những đối tượng bảo trợ như người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, khuyết tật, người tâm thần, trẻ em mồ côi bị bỏ rơi, các địa phương cũng bố trí thêm nguồn lực bảo đảm cho các cháu có thêm cái suất ăn, bữa ăn được đầy đủ hơn, gia tăng dinh dưỡng hơn, nhất là dịp Tết.
Đối với việc hỗ trợ gạo cứu đói, lúc giáp hạt cho các tỉnh khó khăn đã triển khai như thế nào, thưa ông?
Về công tác hỗ trợ về gạo, tính đến ngày 11/1, theo thống kê có 15 tỉnh đã xác định được số người dân gặp khó khăn, có nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết và dịp giáp hạt sau Tết. Qua rà soát, đánh giá tổng hợp, đến nay đã có 15 tỉnh đã có văn bản gửi về Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính. Cụ thể có những địa phương: Sóc Trăng, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Phước.
Tổng 15 tỉnh này đang đề nghị Trung ương hỗ trợ là hơn 14.000 tấn gạo cho 181.057 hộ với 935.466 nhân khẩu. Trong đó, hỗ trợ cứu đói Tết hơn 11.551 tấn gạo cho 770.125 nhân khẩu; hỗ trợ cứu đói giáp hạt hơn 2.617 tấn gạo cho 165.341 nhân khẩu.
Trên cơ sở đề xuất các địa phương,, Bộ LĐTBXH đã tổng hợp, trình Thủ tướng để xem xét, phê duyệt đề xuất ở các tỉnh; đồng thời trình Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính thẩm định đề xuất của các địa phương, bố trí nguồn gạo để báo cáo Thủ tướng ra quyết định.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch chủ động bố trí ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và đã hỗ trợ trên 1.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Hoạt động hỗ trợ này, chúng ta có nguồn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa. Việc hỗ trợ gạo cứu đói hiện nay, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng, trong thời gian ngắn tới, Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt sẽ tổ chức triển khai hỗ trợ gạo cho bà con trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh việc hỗ trợ từ ngân sách, việc hỗ trợ, chăm lo tết từ các nguồn lực xã hội hoá đang được các địa phương huy động như thế nào, thưa ông?
Tôi vừa có có cuộc họp của Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ và trao đổi nhanh với một số địa phương thì thấy rằng công tác vận động tại các địa phương, của các cấp hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc đang triển khai rất quyết liệt, chất lượng, hiệu quả.
Ví dụ như Hội Chữ thập đỏ của tỉnh Trà Vinh được Tỉnh uỷ giao vận động để tặng các suất quà mức giá là 600.000 đồng cho toàn bộ những đối tượng người nghèo, đối tượng bảo trợ, đối tượng, hoàn cảnh khó khăn. Theo như báo cáo của Hội Chữ thập đỏ Trà Vinh, việc huy động này cơ bản đã hoàn thành.
Qua đó có thể thấy rằng, sự hỗ trợ của doanh nghiệp, của cộng đồng là rất lớn. Dù Trà Vinh là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng khi Tỉnh ủy giao và các cấp hội vào cuộc rất hiệu quả. Từ cách làm này, tôi cho rằng, khi hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các thành viên vào cuộc mạnh mẽ sẽ mang lại hiệu quả.
Đối với những nguồn lực ngoài ngân sách, theo thông tin tôi nắm được từ Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, nguồn lực để hỗ trợ cho người dân được trích từ Quỹ vì người nghèo các cấp và phối hợp với các tổ chức thành viên để vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng để tặng quà Tết cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt chú trọng đến người nghèo, công nhân nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Tính đến thời điểm hiện nay, theo số liệu báo cáo nhanh của 15/63 tỉnh, thành phố, ước tính kinh phí đã huy động được 1.900 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ cho khoảng 2,5 triệu người trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Chúng tôi dự kiến nguồn lực huy động của các địa phương hỗ trợ cho người dân đón Tết Nguyên đán năm 2024 hơn 10.000 tỷ đồng và có hơn 10 triệu người được hỗ trợ từ nguồn vận động xã hội hóa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!