Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại các địa phương, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước cần khảo sát, nghiên cứu thực tế; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung dự thảo; nghiên cứu đánh giá các tác động chính sách và các thủ tục hành chính liên quan. Đồng thời, lưu ý các nội dung quy định trong Luật phải rõ ràng, có tính khả thi, dài hạn và phù hợp với thời kỳ phát triển công nghệ số, các Điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh: Qua 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, xuất phát từ những tồn tại trên và định hướng của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn gồm: An ninh tài nguyên nước quốc gia; Xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; Tài chính về tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đã được Chính phủ đồng ý.
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện: Nghiên cứu các quy định, các định hướng của Đảng, Nhà nước liên quan đến 4 chính sách trên và nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trong khu vực như Trung Quốc (Luật Quản lý ô nhiễm, Luật Thủy lợi), Hàn Quốc (Luật nước dưới đất, Luật sông, Luật bảo toàn môi trường nước, Luật hệ thống thoát nước), Thái Lan (Luật tài nguyên nước), Nhật Bản (Luật sông), Hà Lan (Đạo luật nước), Pháp (Luật nước), EU; Xây dựng các sơ đồ, phương pháp luận để định hướng cho xây dựng dự thảo.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đánh giá cao quá trình xây dựng, chuẩn bị hồ sơ xây dựng Luật Tài nguyên nước năm 2012 (sửa đổi). Các báo cáo, tờ trình, đề cương xây dựng Luật Tài nguyên nước năm 2012 (sửa đổi) đã đảm bảo các yêu cầu về tiến độ cũng như chất lượng nội dung, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.