Đạt mục tiêu, nhưng chưa bền vững
Trong những ngày này, gia đình bà Vũ Thị Lương, thôn Hưng Thịnh (xã Quang Minh, Hiệp Hoà, Bắc Giang) là hộ cận nghèo, đang hoàn thiện căn nhà mới rộng 70 m2. Trước đây, căn nhà bà Lương chỉ rộng khoảng 30 m2, tường đã nứt, xuống cấp. “Chính quyền cũng đã vào vận động, nhưng gia đình còn khó khăn, con đang đi học, tôi lại là lao động tự do, nên gia đình chưa muốn làm lại nhà. Sau cơn bão số 3 năm 2024, gia đình quyết tâm dựng lại nhà cho an toàn. Với việc hoàn thành nhà mới này, gia đình tôi sẽ thoát hộ cận nghèo”, bà Lương chia sẻ.
Ông Trần Minh Trí, Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh cho biết: Đầu năm 2024, xã có 25 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo. Triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, các thôn đã tiến hành ra soát từ cơ sở và báo cáo lên Ban chỉ đạo của xã. Sau đó, Ban chỉ đạo của xã tiến hành thẩm định, nếu nhà nào đủ điều kiện sẽ triển khai làm. Xã thống kê còn 8 hộ cần xoá nhà tạm, nhà dột nát; trong đó 6 hộ nghèo, cận nghèo. Đối với 2 hộ có công, có 1 hộ đăng ký sửa chữa sang năm.
Cùng với chương trình xóa nhà tạm, xã Quang Minh cũng hỗ trợ sinh kế thông qua tạo việc làm. “Nhờ kết hợp các chương trình, trong đó có chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát mà đến nay theo khảo sát, xã chỉ còn 13 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo”, ông Trần Minh Trí chia sẻ.
Theo Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm. Các chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 đã đạt và vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Năm 2024, Bộ LĐTBXH đã chủ động tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Chương trình đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và đã huy động được trên 5.000 tỷ đồng; phấn đấu đến hết năm 2025 xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên phạm vi cả nước, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra.
Để đạt kết quả trên, theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo đã được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện phần lớn hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Những trường hợp này cũng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm.
Việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm. Kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo vì các lý do khách quan (ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt... đặc biệt là ảnh hưởng bởi bão Yagi và lũ quét, lũ ống tại một số địa phương vừa qua);
Tỷ lệ hộ nghèo chênh lệch giữa các vùng miền còn cao, đặc biệt là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, biên giới; chưa đánh giá được chi tiết mục tiêu, kết quả cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án và chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của chương trình theo năm.
Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại một số địa phương có thành viên bị bệnh tật, khuyết tật, người không có khả năng lao động, thiếu đất để sản xuất, thiếu lao động để tham gia dự án nên không đáp ứng điều kiện để tham gia dự án, mô hình phát triển sản xuất.
Tích hợp chính sách giảm nghèo
Mục tiêu giảm nghèo được đặt ra trong năm 2025 là tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì giảm 1 - 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 1%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Theo lãnh đạo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, để đạt chỉ tiêu này sẽ khó khăn bởi những người có khả năng thoát nghèo đều đã hỗ trợ thoát nghèo những năm qua. Do đó, để thực hiện mục tiêu, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Đồng thời, truyền thông và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, đặc biệt là truyền thông việc hướng dẫn, hỗ trợ thí điểm nhân rộng và phát triển các mô hình giảm nghèo nông nghiệp, phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo để góp phần tạo ra việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dịch chuyển cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch văn hóa ở cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, tổng hợp kết quả rà soát và phân loại hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo.