Huấn luyện cá lóc "bay” để làm du lịch

Anh Lê Trung Tín, một nông dân ở khu vực 1, Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá lóc và đã huấn luyện thành công đàn cá hơn 20.000 con của mình có thể “bay” lên khỏi mặt nước để đớp mồi, tạo nên cảnh tượng đẹp mắt giống như khiêu vũ để phục vụ khách du lịch.

Khu nhà vườn của anh Tín đang là một trong những điểm đến yêu thích của du khách khi đến với tour du lịch cộng đồng Cồn Sơn.

Trung bình mỗi ngày gia đình anh Tín đón khoảng 3 - 4 đoàn khách đến tham quan vườn, đặc biệt là thứ Bảy, Chủ Nhật thì cả chục đoàn, chủ yếu là xem cá lóc "bay". Nhà vườn Tín - Hòa của anh là một trong gần 20 hộ nông dân ở Cồn Sơn tham gia làm du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống dân dã cùng ẩm thực đậm chất miền Tây.
 
Thích thú xem cá lóc vọt lên khỏi mặt nước mỗi khi anh Tín quăng thức ăn, chị Võ Hồng Phượng, công tác ở Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: Đây là mô hình khá lạ so với các điểm du lịch ở Cần Thơ mà chị đã từng đến. Từ trước giờ mọi người vẫn nghĩ cá lóc chỉ nuôi để làm thực phẩm chứ không phải để phục vụ tham quan.

Mỗi khi anh Tín ném thức ăn là đàn cá lóc “bay” lên đớp mồi.

Lần đầu tiên được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, chị Nguyễn Thị Tú Trinh (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) cho biết: Lần đầu được xem cá lóc "bay" chị thấy rất thú vị. “Mô hình này rất mới, lạ. Đến đây ngoài xem cá lóc bay, du khách còn được tự tay hái trái cây, thử các món ăn đồng quê dân dã. Tôi nghĩ đây sẽ là điểm thu hút khách tham quan trong thời gian tới”.

Anh Tín sẽ giữ đàn cá lóc “bay” đến qua Tết Định Dậu để phục vụ khách du lịch. Sau đó nuôi thêm một số đàn cá nhỏ để thay thế cho đàn cá lóc “bay” hiện giờ khi tới lứa thu hoạch.

Để đàn cá lóc có thể "bay" đẹp mắt như hiện nay, anh Tín phải luyện tập cho cá từ nhỏ. Khi cá dưới một tháng tuổi, chỉ cho ăn mồi là các loại cá tạp sau đó mới chuyển dần sang thức ăn viên. Từ tháng thứ hai, khi cá bắt đầu quen với thức ăn công nghiệp, anh bắt đầu tập dần, mỗi lần cho ăn chỉ rải một ít thức ăn để cá tranh nhau nhảy lên khỏi mặt nước, dần hình thành thói quen.

Đàn cá lóc “bay” lên đớp mồi khi có người ném thức ăn xuống.

Sau khoảng 2 tháng huấn luyện, đàn cá của anh đã nặng khoảng 0,5 kg/con và có thể đồng loạt "bay" lên mỗi khi có người ném thức ăn xuống. “Mỗi lần cho ăn mình tung thức ăn từ trên cao rơi xuống để nhử cá "bay" lên đón thức ăn. Khi đã thành thói quen thì chỉ cần rải thức ăn xuống là cá tự lên” anh Tín bật mí.

Hiện đàn cá của anh có thể “bay” cả ngày để phục vụ khách. Buổi chiều, trời mát, cá sẽ bay nhiều và mạnh hơn. Mỗi khi có đoàn khách nào đến thăm, anh chỉ cần lấy một nắm thức ăn rải xuống thì hàng ngàn con cá sẽ tung mình đồng loạt nhảy lên, tạo thành một luồng cá dày đặc khiến du khách rất thích thú.

Vì có ý định làm du lịch nên ngay từ khi đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, vợ chồng anh đã trăn trở, suy nghĩ tìm mô hình mới, lạ nào đó chỉ mình có để hấp dẫn du khách. Phát hiện được tập tính của cá lóc là hay nhảy lên cao để săn mồi, anh quyết định huấn luyện đàn cá của mình từ nhỏ để chúng biết “bay”. Sau khi huấn luyện thành công lứa đầu tiên, anh Tín đang nuôi luân phiên nhiều vèo (lưới quây lại đặt dưới ao để nuôi cá) khác để có thể thay thế các lứa cá lớn khi tới kỳ xuất bán.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy An, cán bộ kỹ thuật Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Cần Thơ, cá lóc rất háu ăn. Với những hộ nuôi bình thường, khi cho cá ăn thường đổ cả bao thức ăn xuống nên ít khi thấy cá nhảy lên. Riêng đàn cá của anh Tín do được luyện tập từ nhỏ cộng thêm cá ít khi được cho ăn no nên mỗi khi thấy thức ăn là chúng tự nhảy lên khỏi mặt nước để tranh mồi, mọi người gọi đó là cá lóc “bay”.


Bài & ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Hiệu quả mô hình liên kết nuôi, chế biến cá lóc
Hiệu quả mô hình liên kết nuôi, chế biến cá lóc

Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, Hội nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã triển khai mô hình Tổ hợp tác (THT) liên kết giữa những người nuôi cá lóc trong vèo (lưới mùng) và các doanh nghiệp chế biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN