Hơn 400 thông tin mới về khảo cổ học

Hơn 400 thông tin mới về khảo cổ học   
 

        Ngày 29/9, Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 46 năm 2011 với hơn 400 thông tin mới về các phát hiện, kết quả nghiên cứu mới về thời đại đá, kim khí, khảo cổ học lịch sử và Chămpa-Óc Eo.  
 

        Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Có 2 thành tựu đáng lưu ý của khảo cổ học Việt Nam trong năm qua là các hoạt động góp phần hữu hiệu vào công cuộc bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc và công tác quy hoạch khảo cổ học. Nổi bật là nhờ có cuộc điều tra phục vụ công tác quy hoạch khảo cổ học, các cán bộ Bảo tàng Khánh Hòa và Viện Khảo cổ học đã phát hiện mới thêm trên 20 di tích tiền - sơ sử Khánh Hòa và tất cả các di tích đã được khoanh lại. Một số tỉnh khác như Bình Định, Quảng Ninh... cũng đã và đang chuẩn bị làm công tác quy hoạch khảo cổ học. Di sản Thành nhà Hồ đã trở thành Di sản Văn hóa thế giới thứ 5 của Việt Nam có đóng góp tích cực của ngành khảo cổ học.   
 

        Trong hơn 400 phát hiện có nhiều khai quật lớn hé lộ những thông tin có giá trị cho công tác nghiên cứu, bảo tồn. Ở thời đại đá, Viện Khảo cổ học hợp tác với Viện Hàn Lâm khoa học Nga khai quật hang Con Moong (Thanh Hóa) mang lại những nhận thức mới về sự biến đổi của cổ khí hậu ảnh hưởng đến hang Con Moong, xác định được sự phong phú và đa dạng của thành phần giống loài động vật ở Con Moong. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện được một khối lượng lớn đồ gốm và rìu mài toàn thân kiểu Đa Bút ở lớp mặt hang, làm bằng chứng xác nhận Con Moong là một trong những cái nôi của văn hóa Đa Bút. Hang Con Moong là di tích cư trú lâu dài, liên tục của cư dân tiền sử, có thể từ trước đây 40.000 đến 60.000 năm. Nơi đây còn có dấu vết của nhiều thế hệ cư dân muộn sau này như cư dân văn hóa Đông Sơn, cư dân từ thế kỷ 9-10 tới thế kỷ 17-18.  
 

        Đáng chú ý, Viện Khảo cổ học phối hợp với Đại học Kansai (Nhật Bản) và Ban Quản lý Di tích Gò Tháp khảo sát nghiên cứu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp). Kết quả đã xuất lộ dấu tích tầng văn hóa cư trú dày đặc trên phạm vi rộng, cho thấy tiềm năng rất lớn để nghiên cứu về giai đoạn Óc Eo sớm và tiền Óc Eo. Cùng với sự xuất hiện dấu tích kiến trúc ở nhiều nơi khẳng định Gò Tháp có vai trò quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Óc Eo và lịch sử Nam Bộ nói chung.
 

        Hoàng Minh Nguyệt  
 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN