Sáng 15/7, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương cho biết: Lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 33.208 tàu với 125.834 lao động biết diễn biến của bão Rammasun để chủ động phòng tránh.
Cụ thể là khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có 254 tàu với 2.043 lao động, trong đó: Khu vực quần đảo Hoàng Sa là 59 tàu với 378 lao động (Quảng Trị có 5 tàu với 34 lao động; Quảng Ngãi có 17 tàu với 206 lao động, Bình Định có 30 tàu với 275 lao động; Phú Yên có 2 tàu với 18 lao động; Khánh Hòa có 5 tàu với 45 lao động); khu vực giữa Biển Đông có 195 tàu với 1.465 lao động (tỉnh Bình Định). Tại các khu vực khác và neo đậu tại bến là 32.954 tàu với 123.791 lao động.
Để ứng phó với bão Rammasun, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 04/CĐ-TW hồi 15h30 ngày 14/7 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu và các bộ, đề nghị chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão.
Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có công điện chỉ đạo Biên phòng các tỉnh tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu và các Hải đoàn Biên phòng 38, 48, 28, triển khai các biện pháp đối phó với bão. Bộ Y tế có Công điện số 747/CĐ-BYT ngày 14/7 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ, về triển khai các biện pháp đối phó với bão. Các tỉnh, thành phố Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Thuận đã có công điện gửi các sở, ngành, địa phương triển khai công tác đối phó với bão.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 15/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 125,6 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippines) khoảng 520km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 7 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 121,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103km đến 117km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km - 25km. Đến 7 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103km đến 133km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ gần sáng 16/7, vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.
Thanh Tuấn