Hội Lim 2012 đã trôi qua. Ban Tổ chức đã nhận bằng công nhận kỷ lục về số người tham gia mặc trang phục quan họ đứng hát. Việc này khiến có nhiều dư luận khác nhau của người đi hội cũng như một số nhà nghiên cứu.
Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Vĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội, người nhiều năm nghiên cứu trên địa bàn này. Ông Vỹ cũng có mặt chứng kiến kỷ lục ở Hội Lim năm nay.
Năm nay ông có ý kiến gì về kỷ lục 3.500 người mặc trang phục và đứng hát quan họ?
Tuy có nhiều cái đáng xem lại trong khâu tổ chức và người trực tiếp tổ chức nhưng đây là một hoạt động thú vị. Một sự kiện mới lạ và tạo ấn tượng trong lịch sử Hội Lim cũng như lịch sử hát quan họ, một sự biểu dương lực lượng đáng ghi nhận. Còn số lượng người thì tương đối thôi, có ai đếm đâu.
Nhưng tại sao có người cho đó là “khôi hài”?
Nhiều người không bằng lòng với việc hát quan họ có sử dụng loa ở Hội Lim. Ảnh : Lê Phú |
Tôi hiểu. Người ta viện lẽ ngày xưa đâu tập trung đông hoặc đồng ca như vậy trong sinh hoạt hát quan họ để nhận xét.
Ở đây là một hành động trình diễn trong không gian lễ hội, nó là mới nhưng nó lành mạnh.
Về trang phục, bộ trang phục quan họ chính thức ra đời vào năm 1970, từ nhu cầu đưa hát quan họ lên sân khấu biểu diễn của Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh. Họa sĩ vẽ kiểu, thợ may tay, người làm nón, nay đã mất, nhưng những người phụ trách hậu cần chạy đi thực hiện, những người mặc nó lần đầu tiên còn sống cả. Mới 42 năm thôi. Họ còn giữ những tấm ảnh kiểu dáng đầu tiên cho đến ngày hôm nay. Chúng ta có thể phỏng vấn, nghiên cứu trực tiếp. Anh Huy Tấn, anh Lẫm, anh Mùi, anh Nghị, chị Minh Phức, chị Lệ Ngải, chị Thúy Cải... họ còn đó cả. Đó là kết quả sáng tạo của những người hoạt động văn hóa, của Đoàn Quan họ trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt và khó khăn.
Còn việc hát đồng ca thì có nên chăng?
Cũng có thể chấp nhận khi ta coi đây cũng là một trình diễn quy tụ lực lượng. Nó liên quan tới cách nhìn.
Ta phải thấy rằng, hát quan họ đầu thế kỉ XX phức tạp và manh mún, thân phận người đi hát có khi bị coi rẻ. Điều đó còn có những ghi chép dân tục thời Pháp thuộc để lại. Chín năm kháng chiến chống Pháp điều kiện hát không còn. Sau 1954, những người sưu tầm đợt đầu than phiền về sự tàn lụi của nó. Quan họ dân gian trong chống Mỹ (1954 - 1975) không còn được duy trì. May có giới nghiên cứu kịp thời sưu tầm, đưa lên Đài Phát thanh và đặc biệt là Đoàn Dân ca quan họ ra đời (1968), cùng nhau đi học lại từng bài bản ở mỗi làng một ít, và giữ gìn nó, phát triển nó. Hơn 10 năm sau 1975, thời hậu chiến khó khăn, quan họ tưởng chừng như mai một đi rồi. Rồi sau đó, những nghệ nhân còn sót lại (không nhiều) tập hợp cháu con dạy lại, theo gương các anh chị “có thanh có sắc” trên đoàn, xin lại bài bản cổ xưa của ông cha đã dạy. Nhóm quan họ dân gian đầu tiên chơi lại với nhau chỉ khoảng năm 1987. Hơn 20 năm nay, một sự hồi sinh, tái sinh cực kì mãnh liệt, ngoạn mục. Một tập hợp lực lượng để trình diễn là đáng làm.
Nhưng không phải mọi thứ đều đã viên mãn. Còn rất nhiều chuyện chưa được, không được. Có một ý đồ tốt chắc gì đã thực hiện tốt. Ở cuộc trình diễn trong ngày hội đó, có nhiều sự xộc xệch trong trang phục, đội ngũ và hơn nữa, có nhiều dư luận, nhiều băn khoăn từ chính bản thân những người tham gia trình diễn mà tôi đã hỏi chuyện. Tổ chức vội vàng, tập luyện cẩu thả, giữa lời hứa của người đứng ra tổ chức với những người tham gia chưa chắc đã tròn chữ tín của người chơi quan họ. Hậu trường còn lắm thứ lắm, cần tìm hiểu kĩ mới có thể nói được.
Thế còn những ý kiến về việc đưa nhạc đệm vào hát quan họ cổ và dùng loa công suất lớn khác với ngày xưa?
Trong hội, sử dụng loa phát to quá đan tiếng vào nhau nghe thật ầm ĩ. Không ai bằng lòng với điều đó cả. Tôi cũng vậy. Còn việc sử dụng nhạc đệm thì đó là một bước phát triển tự nhiên của nó mà thôi.
Về nhạc đệm, quan họ từ xa xưa vốn có nhạc đệm. Nó chỉ mất đi trong quá trình lan tỏa vào dân gian mà thôi. Dấu tích để lại trong bài bản, trong lời hát rất nhiều. Hát quan họ vốn là hát cửa quan. Chúng ta có hát cửa đình (đình môn ca), hát cửa quyền (quyền môn ca) thì cũng có hát cửa quan (quan hộ ca), hộ cũng là môn, nhưng là cái môn một cánh, bé hơn, thế thôi. Khi ở cửa quan thì nó cũng là các giáo phường, hát có nhạc đệm. Sau đó, lan tỏa dần làng này nhóm nọ thì mới mất nhạc đệm đi. Các nhà nghiên cứu của chúng ta từ năm 1957 đến nay chỉ tiếp xúc hoặc nghe kể về nó ở đoạn sau nên thấy không còn nhạc đệm nữa, thành ra tưởng chỉ có vậy. Sửa sai một điều đã thành tín niệm phổ biến nhiều khi thật khó khăn. May mà các văn bia, sách cũ còn để lại cho chúng ta nghiên cứu tiếp tục. Vậy từ có nhạc đến không nhạc rồi lại có nhạc đệm là điều hết sức bình thường. Văn hóa luôn luôn vận động mà.
Cám ơn những ý kiến của ông!
Phong Anh (thực hiện)