Hội chợ của trái cây tiêu chuẩn VietGAP

Hội chợ triển lãm trái cây Việt Nam Vietfruit – Tiền Giang 2011 được tổ chức tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang trong các ngày từ 29/11 đến 4/12/2011. Trong hơn 200 gian hàng trưng bày tại Hội chợ có trên 30 gian hàng trái cây, cây giống của các địa phương, giới thiệu những giống cây ăn quả đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của đồng bằng sông Cửu Long.

Tiền Giang - “vương quốc trái cây”

Tỉnh Tiền Giang hiện có gần 68.000 ha vườn trồng cây ăn quả các loại với sản lượng mỗi năm trên 976.000 tấn quả các loại. Nơi đây cũng là quê hương của nhiều giống cây ăn quả đặc sản nổi tiếng có một không hai: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm Tân Phong, vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim...

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn 2020, Tiền Giang coi kinh tế vườn là một trong những chương trình mang tính chiến lược không chỉ giúp nông hộ làm giàu, an sinh xã hội đảm bảo, nguồn nông sản chất lượng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu mà còn là nhịp cầu để địa phương hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh cũng cụ thể hóa mục tiêu chiến lược trên thông qua xác định các chủng loại trái cây đặc sản cần phát triển và khẳng định thương hiệu bằng nhiều biện pháp. Đó là xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, dứa Tân Phước, xơ ri Gò Công, bưởi da xanh...

Đến với Hội chợ Triển lãm trái cây lần này, gần như thấy có sự góp mặt đầy đủ các “đặc sản” trái cây Tiền Giang: Cam sành Cái Bè, xoài cát Hòa Lộc (Hòa Hưng, Cái Bè), dứa của HTX Quyết Thắng (Tân Phước, Tiền Giang), thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy)... Đặc biệt, có sự góp mặt của một sản phẩm mới với những ưu điểm: Dễ trồng, năng suất, sản lượng cao, tiêu thụ mạnh với giá cao... đã giúp cho nhiều nông hộ miệt vườn vùng ngập lũ Cai Lậy, Cái Bè vượt khó, thoát nghèo và làm giàu nhanh. Đó là giống mít “siêu sớm” trong tháng 10/2011 vừa qua đã vinh dự nhận chứng nhận thương hiệu độc quyền dưới tên“ mít giống Ba Lập”. Giống mít này do anh Ba Lập, một nông dân nhạy bén, sáng tạo của miệt vườn Cẩm Sơn, Cai Lậy sưu tập, phát triển và nhân giống cung ứng cho bà con. Trao đổi với phóng viên, anh Ba Lập cho biết, anh đến với hội chợ nhằm mục đích giới thiệu và quảng bá thương hiệu cho giống mít đặc sản đang thịnh hành hiện nay, giúp nhà vườn quan tâm có cơ hội chọn lựa những giống cây tốt, chất lượng cao để trồng cải thiện đời sống – một cách xúc tiến thương mại hiệu quả.

Trái cây thương hiệu VietGAP

Anh Nguyễn Công Thành, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng (Tân Phước) tham gia hội chợ đã trình làng một sản phẩm duy nhất của miệt Đồng Tháp Mười đầy nắng gió: dứa VietGAP. Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có trên 13.000 ha dứa (khóm), là vùng chuyên canh dứa nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu lớn nhất nhì các tỉnh phía Nam hiện nay, trong đó HTX Quyết Thắng là nơi đi tiên phong trồng và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha dứa. Giới thiệu cùng khách tham quan những trái dứa chín đỏ tươi trông rất bắt mắt đựng trong những túi lưới xinh xắn và có dán logo của HTX, anh Nguyễn Công Thành vui vẻ nói, bây giờ nhà vườn muốn sống được phải trồng cây đặc sản theo qui chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Riêng HTX Quyết Thắng đang phấn đấu sang năm 2012 mở rộng diện tích vùng dứa VietGAP lên hàng trăm ha.

Tuy nhiên, anh Thành cũng thừa nhận, việc chưa có mối liên kết “4 nhà” chặt chẽ khiến cho con đường nông sản GAP trong những buổi đầu tiên khai phá còn phải đối mặt với nhiều chông gai, gian khó. Do vậy, nông dân cần quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại mà việc tham gia các Hội chợ triển lãm qui mô khu vực hoặc cả nước hết sức quan trọng - anh Nguyễn Công Thành khẳng định. Dạo quanh một vòng hội chợ, người ta vui mừng nhận thấy rất nhiều sản phẩm chất lượng cao nhà vườn được trưng bày, giới thiệu, buôn bán. Hầu hết đều đạt chuẩn VietGAP hoặc đang trên tiến trình xem xét đánh giá để cấp chứng nhận VietGAP, thiết thực mở ra tương lai mới cho trái cây Tiền Giang trên con đường hội nhập.

Ngày nay, được sự khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước, nhà vườn tỉnh Tiền Giang nói chung mạnh dạn đoạn tuyệt với tập quán canh tác kém hiệu quả trước đây, áp dụng triệt để các biện pháp thâm canh theo khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao và gần đây tuân thủ qui trình sản xuất theo hướng GAP nhằm giúp nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của trái cây đặc sản trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Từ đó, nâng giá trị sản xuất mỗi ha vườn cây đặc sản lên từ 300 đến 500 triệu đồng trở lên. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã trở thành tỉ phú, trở thành tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi ở nông thôn. Trước ngày Hội chợ khai mạc, huyện Cai Lậy vinh dự nhận chứng nhận VietGAP cho nhãn Nhị Quí và chôm chôm Tân Phong là một ví dụ.

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, Hội chợ triển lãm trái cây lần này nhằm mục đích tiếp tục quảng bá thương hiệu các loại trái cây đặc sản Tiền Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đồng thời bước chuẩn bị tiến tới Festival trái cây Việt Nam lần thứ hai sắp tới. Sẽ có những điều tâm đắc còn lắng đọng lại trong lòng khách tham quan Hội chợ triển lãm trái cây Việt Nam VietFruit – Tiền Giang 2011. Một trong những điều tâm đắc đó là nhà vườn bắt đầu chú ý đến khía cạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của mình tại những sân chơi mới giúp bà con làm giàu từ vườn cây trái.

Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN