Chương trình nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn, mất mát, hỗ trợ một cách bền vững, lâu dài, giúp các em sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tỉnh Vĩnh Long có 24 trẻ em được các nhà tài trợ cam kết bảo trợ lâu dài với số tiền 3 triệu đồng/tháng đến khi đủ 18 tuổi. Ngoài số tiền được hỗ trợ hàng tháng, các em sẽ được tạo điều kiện tham gia các khóa học trực tuyến về giáo dục kỹ năng, ngoại ngữ và tham gia các hoạt động trải nghiệm, thể chất… để phát triển năng lực bản thân. Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long trao thiết bị học tập cho 7 em học sinh mồ côi do COVID-19, trước đó lãnh đạo tỉnh đã đến tận nhà trao tặng thiết bị học tập cho 17 em. Các phần quà nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh có thiết bị để học trực tuyến.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 1.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gần 14.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 24 trẻ em mồ côi vì COVID-19. Thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là trẻ em. Đặc biệt là sự hỗ trợ từ Hội đồng đội Trung ương như tặng quà, bánh nhân dịp Tết Trung thu, trao tặng dụng cụ học tập, máy tính bảng học trực tuyến cho thiếu nhi Vĩnh Long.
* Ngày 6/11, Đồn biên phòng Lai Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tặng quà cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn là người dân tộc Khmer bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn khu vực biên giới biển do đơn vị quản lý.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Hiên, Chính trị viên Đồn biên phòng Lai Hòa, hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu vẫn còn khá phức tạp, địa bàn vùng biên phòng cũng nguy cơ cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình Khmer nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước tình hình đó, đơn vị đã vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm được 180 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng (gồm 10kg gạo và nhu yếu phẩm thiết yếu), để trao tặng cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn là người dân tộc Khmer ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn khu vực biên giới biển xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu.
Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, luôn hướng về cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trước những tác động của dịch COVID-19, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, san sẻ yêu thương, chung tay hỗ trợ người nghèo vượt qua đại dịch.
Trước đó, Đồn biên phòng Lai Hòa và các đồn biên phòng ven biển của tỉnh Sóc Trăng đều có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân vùng ven biển bị ảnh hưởng dịch, người dân trong vùng phong tỏa, cách ly y tế. Tính từ tháng 7/2021, khi dịch bùng phát mạnh đến nay, các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã vận động được tổng cộng khoảng 40 tấn gạo, hàng ngàn thùng mỳ ăn liền, khoảng 4.000 phần quà và các nhu yếu phẩm thiết yếu trao tặng người dân nghèo vùng biên giới biển.
* Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố Cần Thơ phối hợp Trường phổ thông Thái Bình Dương và Đoàn phường Cái Khế ra quân thực hiện chương trình "Nghĩa tình người trẻ đất Tây Đô".
Chương trình tiến hành hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gồm: thanh niên công nhân, tiểu thương, người bán vé số, trẻ em mồ côi trên địa bàn 3 quận, huyện (Cái Khế, Ninh Kiều, Phong Điền). Tổng số hàng hóa được hỗ trợ lần này là 300 phần quà với trị giá hơn 40 triệu đồng, mỗi phần gồm các loại khẩu trang vải, gel rửa tay khô, viên sủi vitamin C. Ban tổ chức cũng kết hợp việc trao tặng nhu yếu phẩm y tế với việc tuyên truyền thông điệp 5K qua các tờ rơi.
Bí thư Đoàn phường Cái Khế, Lại Phước Trường Thành chia sẻ: “Túi quà có giá trị không lớn về mặt vật chất nhưng chan chứa tình cảm và sự quan tâm". Chương trình thể hiện mong muốn, tinh thần của thanh niên Cần Thơ trong việc đồng hành cùng thành phố nói chung và các đối tượng yếu thế nói riêng trước diễn biến phức tạp của đại dịch.
Theo Bí thư Đoàn Trường phổ thông Thái Bình Dương Phương Tấn Đạt, chương trình "Nghĩa tình người trẻ đất Tây Đô" ra đời với mong muốn góp một phần nhỏ trong việc nâng cao nhận thức cho người dân đặc biệt là thanh niên công nhân, các tiểu thưởng và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói chung. Với phương châm “Mang cái nghĩa của người trẻ gắn kết, chia sẻ. Mang cái tình kết nối yêu thương, lan tỏa cộng đồng”, hy vọng thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự đóng góp, chung tay cùng thành phố vượt qua đại dịch.