Tuyên Quang: Khẩn trương giúp dân sơ tán người và tài sản
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh Tuyên Quang đã đến các địa bàn xung yếu, khẩn trương giúp nhân dân sơ tán người và tài sản, đồng thời tiến hành chốt, chặn các điểm úng ngập để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các đơn vị huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ trong tỉnh phối hợp với lực lượng dân quân, tự vệ tại các địa bàn xung yếu kịp thời tổ chức giúp nhân dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn; tổ chức phát dọn cây đổ ven đường do bão quật đổ.
Tại huyện Sơn Dương, Thượng tá Bàn Hải Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Dương cho biết: Do nước sông Phó Đáy dâng cao, ngay từ 5 giờ ngày 9/9, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã hạ thủy 2 xuồng máy, huy động tối đa các lực lượng đến giúp nhân dân ở những nơi bị ngập sâu trong nước. Đồng thời, huy động 35 cán bộ, nhân viên và toàn bộ các Trung đội dân quân cơ động các xã dọc theo sông Phó Đáy như: Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh; Ninh Lai, Thiện Kế, thị trấn Sơn Dương đến các địa bàn giúp đỡ sơ tán người, vật nuôi và tài sản của nhân dân. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ đã tổ chức ứng cứu an toàn 2 công dân bị mắc kẹt trên thuyền tại thôn Tân Trào (xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Cùng với lực lượng Quân đội, các đơn vị Công an trong tỉnh cũng triển khai trực 100% quân số và huy động tối đa lực lượng hỗ trợ người dân tại các địa bàn nguy hiểm, nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, lập hàng trăm chốt, đặt các biển cảnh báo người và phương tiện không đi qua các khu vực ngập lụt nguy hiểm. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ đưa người dân từ vùng lũ đến nơi an toàn; hỗ trợ bà con nhân dân di dời tài sản, gia súc trên địa bàn khỏi vùng ngập úng; tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, kịp thời dọn cây gãy đổ; hướng dẫn, điều tiết, phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông 24/24 giờ tại các tuyến đường bộ, đường thủy. Đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, xung yếu có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, khu vực ngầm, tràn, bị ngập sâu và nước chảy xiết.
Tại Km 63 Quốc lộ 2 đường Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua thôn Tháng 10 (xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Một lượng lớn đất đá, cây gãy đổ tràn xuống đường khiến giao thông đang bị tắc nghẽn ở cả 2 chiều. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Hàm Yên và Công ty Quản lý đường bộ 232 khẩn trương có mặt tại hiện trường, phân luồng giao thông, hướng dẫn các phương tiện giao thông hướng di chuyển và hỗ trợ di chuyển cây gãy đổ, đất đá, khẩn trương thông tuyến đường.
Theo Trung tá Vũ Hoàng Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Giao thông trật tự, Công an thành phố Tuyên Quang, từ đêm 9/9 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố đã đến các nhà dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở và bị ngập sâu để giúp người dân di chuyển đồ đạc, vật nuôi, sơ tán người đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, lực lượng lập các chốt chặn khu vực cầu Nông Tiến, các khu vực sạt lở và những điểm bị ngập sâu để nhắc nhở và hướng dẫn người dân lưu thông an toàn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tuyên Quang, từ nay đến đêm 11/9, tỉnh Tuyên Quang vẫn có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 70-150 mm, có nơi trên 250 mm. Mưa lớn có khả năng gây lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và gia tăng nguy cơ ngập lụt tại các địa phương trong tỉnh. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp tục huy động tối đa lực lượng, trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Quảng Nam: Hỗ trợ 22 tỷ đồng cho các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ
Ngày 10/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất với đề xuất của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ từ ngày 6/9 đến nay, với tổng kinh phí 22 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Theo đó, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng 2 tỷ đồng/địa phương; hỗ trợ 17 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội 1 tỷ đồng/địa phương.
Thống nhất chủ trương hỗ trợ 1 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Quảng Nam cũng thống nhất thành lập 2 đoàn công tác đến thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh, thành phố nêu trên.
Theo đó, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương.
Đoàn công tác do đồng chí Lê Trí Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn sẽ đến thăm một số địa phương còn lại.
Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tỉnh Quảng Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, với tấm lòng sẻ chia và sự đoàn kết, tích cực ủng hộ để nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau bão lũ.
Quảng Ninh: Cấp 180 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục thiệt hại
Ngày 10/9, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND quyết định về việc cấp bổ sung mục tiêu cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh với số tiền là 180 tỷ đồng.
Đây là kinh phí bổ sung để các địa phương sử dụng cùng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước đó, ngày 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia khắc phục thiệt hại và phòng, chống mưa lũ sau bão số 3.
Trong đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với phương châm tập trung cứu người là trên hết, trước hết. Trước mắt, tập trung vào công tác tìm kiếm người mất tích trên biển.
Chủ tịch UBND các địa phương theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về diễn biến của mưa lũ, ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở để thông báo đến nhân dân biết, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh; rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình, địa hình, những vị trí xung yếu, những nơi có tiềm ẩn rủi ro cao để có biện pháp xử lý, di dời người dân đến nơi ở an toàn.
Khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra; phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để tổng hợp báo cáo. Trước mắt, thống kê ngay số người bị mất nhà ở; số người phải tạm cư nhiều ngày tới; số người diện cứu trợ khẩn cấp (lương thực, nước uống, thuốc men, quần áo...) chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền và quy định, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân được đảm bảo có môi trường sống an toàn, hợp vệ sinh trước mắt và lâu dài.
Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương sửa chữa hệ thống đường dây, cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; khắc phục các thiệt hại, để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp sớm nhất; đảm bảo cung ứng nước sạch để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc sử dụng ngân sách để sửa chữa, khắc phục các công trình bị hủy hoại, hư hỏng phải khắc phục, sửa chữa, thay thế. Đồng thời, thực hiện rà soát các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh hiện có để tổ chức hỗ trợ ngay cho người dân...