Hiệu quả từ tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường ở Phú Thọ

Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp nhiều gia đình ở tỉnh Phú Thọ có vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nước sạch, các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn và góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba thường xuyên dùng nước giếng khơi. Biết nguồn nước không được đảm bảo vệ sinh do ô nhiễm bởi các nguồn nước từ ao hồ, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi… nhưng vẫn phải dùng để tắm giặt, còn việc sử dụng cho nấu ăn, nước uống, gia đình phải sử dụng nguồn nước mưa.

Năm 2015, bà Hồng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 12 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cùng kinh phí tự có, gia đình đã xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đồng bộ, khép kín, gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình. Không chỉ vậy, gia đình bà còn làm mô hình kinh tế VAC khép kín, xây dựng hệ thống biogas tận dụng chất thải trong chăn nuôi làm khí đốt.

Chị Nguyễn Thúy Hà, Tổ trưởng Tổ dân cư khu 5, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao chia sẻ, Xuân Lũng có 19 khu dân cư; trong đó, có 14 khu có mật độ dân số cao hơn hẳn, dẫn đến môi trường và nguồn nước ngầm cũng có những dấu hiệu ô nhiễm nặng hơn. Vì thế, nguồn vốn ưu đãi luôn được ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho những khu vực đông dân này. Đến nay, với tổng dư nợ trên 5,4 tỷ đồng đã có hơn 60% số hộ dân của xã Xuân Lũng được vay vốn ưu đãi để cải tạo các công trình nước sạch và vệ sinh cho gia đình…

Theo thống kê, hiện tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt trên 90%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là trên 60%. Sau hơn 8 năm thực hiện chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai tới 13/13 huyện, thị, thành với tổng dư nợ trên 414 tỷ đồng cho 45.952 hộ vay để làm 91.804 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

Ông Trương Việt Phương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, ngân hàng đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương, cùng các hội, đoàn thể tích cực triển khai đến các hộ dân có nhu cầu vay vốn sử dụng nước sạch và xây dựng khu vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Công tác phối hợp, kết hợp giữa ngân hàng và các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội khá nhịp nhàng từ khâu lập kế hoạch tín dụng đến triển khai nghiệp vụ cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn...

Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các hộ dân được vay vốn đầu tư hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường cho rằng, với mức cho vay 6 triệu đồng/công trình hiện nay không còn phù hợp với chi phí nhân công và nguyên vật liệu. Bởi chỉ mua sắm bồn chứa nước, máy bơm nước đã tiêu tốn hơn 6 triệu đồng, chưa kể xây dựng nhà vệ sinh và các chi phí phát sinh khác. Hiện, một số hộ khó khăn xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay nên công trình không bảo đảm chất lượng hoặc không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện công trình. Do vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội nên tăng mức cho vay để đảm bảo chất lượng các công trình vệ sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ, thời gian tới, ngân hàng tỉnh sẽ tranh thủ vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách theo địa bàn. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường tuyên truyền, sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, củng cố chất lượng của tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức tổ tiết kiệm vay vốn phải đảm bảo theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện hoạt động trên từng địa bàn, nâng cao năng lực quản lý vốn của Ban quản lý tổ; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội...

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% dân số của tỉnh được dùng nước hợp vệ sinh; trong đó, có 65% dân nông thôn được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia. Vì vậy, việc thực hiện chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho các hộ dân nói chung, các xã nói riêng sẽ là "điểm tựa" vững chắc để hoàn thiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo đúng lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ trong thời gian tới.
Tạ Văn Toàn
Để người dân được dùng nước sạch
Để người dân được dùng nước sạch

Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh về việc cấp nước sạch cho người dân, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, thành phố đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tất cả các hộ dân có nước sạch sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN