Phát huy hiệu quả từ mô hình “quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” hay còn gọi là mô hình “ruộng lúa bờ hoa” của tỉnh Tiền Giang, vụ hè thu năm 2011, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện mô hình này tại ấp Hiếu Minh A, xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm với diện tích 10 ha. Bước đầu mô hình đã có hiệu quả trong công tác phòng, chống sâu, bệnh bảo vệ cây trồng.
Cây hoa trên đồng ruộng sẽ thu hút thiên địch; thiên địch sẽ tấn công dịch hại và rầy nâu; từ đó làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, hướng nông dân tới sản xuất sạch hơn, an toàn hơn. |
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, ngoài việc trồng các loại hoa khoe sắc đơn thuần, cán bộ khuyến nông khuyến cáo nông dân trồng ở bờ ruộng các loại hoa tạo quả làm rau phục vụ bữa ăn hàng ngày như đậu bắp, đậu xanh, vừng..., góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình và hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc BVTV trên đồng ruộng, giảm được chi phí đầu tư từ 1 - 2 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng trạm BVTV huyện Vũng Liêm cho biết: “Công nghệ sinh thái này sẽ giúp quản lý rầy nâu trên đồng ruộng bằng 3 lợi ích: Cây hoa trên đồng ruộng sẽ thu hút thiên địch; thiên địch sẽ tấn công dịch hại và rầy nâu; từ đó làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, hướng nông dân tới sản xuất sạch hơn, an toàn hơn”. Sắp tới, ngành nông nghiệp Vĩnh Long sẽ nhân rộng mô hình này ở một số xã khác của huyện Vũng Liêm.
Đến nay, khu vực phía Nam có 7 tỉnh, thành (Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu) đã xây dựng được 25 mô hình “ruộng lúa bờ hoa” để phòng, chống rầy nâu hại lúa với hơn 300 ha. Qua đánh giá của các ngành chức năng, năng suất lúa ở mô hình này đạt từ 6 – 6,5 tấn/ha, tăng từ 0,5 – 1 tấn/ha so với canh tác bình thường. Giá thành sản xuất mỗi kg lúa trong mô hình “ruộng lúa bờ hoa” cũng thấp hơn ruộng ngoài mô hình, lợi nhuận tăng thêm 2,15 triệu đồng/ha.
Phạm Thị Bình