10 năm qua, Nguyễn Thị Liên đã đặt chân đến hơn 100 đồn biên phòng trên cả nước. Không nhiều người biết đến những chuyến đi của Liên. Nhưng những ai tình cờ biết, đều thấy cô gái này thật lạ.
Lạ bởi cô có “đam mê đi” tới những vùng biên giới! Liên cũng đã giúp nhiều nhóm tình nguyện kết nối với các đồn biên phòng để điền thêm những địa chỉ trên bản đồ tình nguyện mà họ muốn đến.
Cô gái Quảng Ninh 31 tuổi, bắt đầu câu chuyện của mình một cách chậm rãi như vừa nói vừa rủ ký ức về. “Đó là năm 1998. Hồi đó, tôi và gia đình đi tìm mộ người chị gái con nhà bác ruột - chị ấy bị những kẻ xấu dìm chết ở khu vực gần biên giới của tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ sự giúp đỡ của những người lính biên phòng số 5, gia đình tôi đã tìm thấy mộ chị. Sự tận tình của những người lính ấy khi đó đã gieo vào lòng tôi ấn tượng rất mạnh. Từ đó, tôi bắt đầu nảy sinh ý muốn đi tìm hiểu về cuộc sống của những người lính biên phòng và giúp đỡ trẻ em ở các vùng biên giới”.
Từ ám ảnh đến sẻ chia
Nhớ lại những hành trình đến với các vùng biên giới, hình ảnh ám ảnh nhất với Liên là cảnh những đứa trẻ không mặc quần và không đi dép, mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn mình. Và những đứa trẻ cũng chính là một trong những lý do để Liên tìm đến các đồn biên phòng.
Sau mỗi chuyến đi, Liên lại hiểu thêm về đời sống của người dân nơi biên giới và những việc làm tình nghĩa của các chiến sĩ biên phòng. |
Năm 2000, Liên đến với Đồn biên phòng 358 ở Đầm Môn, Khánh Hòa. Ở đó, Liên có một anh bạn tên Nghị là quân y và là thầy giáo quân hàm xanh. Từ Hà Nội, Liên nhấc điện thoại lên, nói rõ mục đích chuyến đi với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh: “Tôi được biết ở đây có 1 lớp học mà thầy giáo là những người lính quân hàm xanh. Tôi ở Hà Nội, có một chút quà muốn trao tận tay cho các em.
Mong các anh giúp đỡ”. Được nhận lời, mừng quýnh, Liên gom khoảng 200 quyển sách tập viết, 100 cái bút chì (tất cả đều là kết quả từ số tiền tiết kiệm ít ỏi của cô) rồi lặn lội mang vào tận nơi để trao cho các em. Đến đồn, trao quà cho các em nhỏ trong lớp học xong, hôm sau, Liên lên đường ra Bắc luôn. Nhiều người “chê” có ngần ấy quà mà mất công vào nhưng Liên vẫn rất vui.
Cứ thế, 10 năm qua, bình quân mỗi năm Liên đi đến khoảng 10 đồn biên phòng. Cô nói: Tôi đến đó với mục đích thăm và tìm hiểu cuộc sống của những người lính biên phòng; tìm hiểu cuộc sống người dân biên giới, nhất là trẻ em, để tìm cách giúp đỡ cho những trẻ em nơi đây”. Đến nơi nào Liên cũng chụp ảnh, hỏi chuyện cán bộ chiến sĩ, thăm những gia đình khó khăn ở đó, ghi lại các tư liệu.
Là một người có nhiều mối quan hệ với các nhóm tình nguyện trẻ, Liên đã liên hệ để mọi người quan tâm hơn đến những vùng sâu, vùng xa.
Đợt lũ ở Yên Bái năm 2004, Liên đang ở TP Hồ Chí Minh, đã quyên góp được hơn 1.000 bộ quần áo. Liên gói ghém đóng thành 3, 4 thùng hàng rồi bắt ô tô, mang hàng ra tận Hà Nội gửi nhóm tình nguyện “Cánh hạc giấy” gửi đi.
Gần đây nhất, trong đợt lũ lịch sử năm 2010, Liên đã trực tiếp làm cầu nối cho nhóm tình nguyện Niềm Tin với Đồn biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo. Liên đã cùng nhóm này tới xã Sơn Hà (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trao 4,4 tấn gạo và hơn 4.000 cuốn vở cho người dân và trẻ em vùng thiên tai.
Cuối năm, Liên đã kết nối nhóm Tình nguyện trẻ của Hà Nội với Đồn biên phòng xã Hua Bum, huyện Mường Tè (Lai Châu) làm chương trình tình nguyện “Thắp sáng bản em” mang đồ dùng học tập và quần áo ấm đến cho hơn 300 trẻ em. Liên nói: “Sau này, nếu kêu gọi được tài trợ, tôi muốn làm thêm nhiều chương trình như đã làm ở Hua Bum để giúp đỡ các em nhỏ nhiều hơn nữa”.
Đầu năm 2011, Liên cho biết, cô đã kết nối với Đồn biên phòng 591 và 593 ở Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình và vận động quyên góp ủng hộ 8 tủ thuốc, quần áo mới cho các em.
...Và một cuốn sách đang ấp ủ
Trên giá sách, Liên đã chất cả trăm cuốn sổ ken dày chữ. Đó là những trang Liên viết sau những cuộc hành trình: Cuộc sống, tâm tư người lính biên phòng, thói quen sinh hoạt của lính quân hàm xanh mỗi nơi một khác, những ấn tượng của họ về vùng biên cương họ canh giữ và cả cảm nhận của người dân dành cho những người lính ấy.
Liên xúc động: “Có đi mới thấy ở biên giới, bộ đội biên phòng vừa là thầy giáo dạy đồng bào chữ, cũng là người bảo vệ dân. Các anh bộ đội biên phòng để lại ấn tượng rất tốt đối với dân”.
Liên đang ấp ủ một dự định: Sau này, từ kho tư liệu ấy, cô sẽ viết một cuốn sách về hành trình tuổi trẻ của mình tới những vùng biên cương, ghi nhận chân thực về cuộc sống của những người lính đeo quân hàm xanh.
Mạnh Minh