Hành khách quay lưng với xe buýt

Năm 2015, TP Hồ Chí Minh đã trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng cho xe buýt nhưng trên những chiếc xe 80 chỗ ngồi nối đuôi nhau, ngay vào giờ cao điểm vẫn chỉ chở chưa đến chục khách… Thực tế này cho thấy, vận tải hành khách bằng xe buýt chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Chất lượng thấp

Là một trong những tuyến chính ra ngoại thành, tuyến đường Bạch Đằng luôn dày đặc xe buýt. Đặc biệt là khu vực giao lộ Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng và đoạn ra cầu Bình Triệu, những chiếc xe buýt nối đuôi nhau luôn là nỗi ám ảnh vào những giờ cao điểm. Khói xả đen kịt, các xe dàn hàng ngang trên con đường chật hẹp nên giao thông ùn ứ là việc diễn ra hàng ngày… Điều đáng nói là, ngay trong giờ cao điểm trên một tuyến chính, những chiếc xe buýt cỡ lớn, đủ sức chứa 80 hành khách vẫn giành giật những khoảng đường nhỏ hẹp, dù trên mỗi xe cũng chỉ tầm chục hành khách. Đây chỉ là một ví dụ trong bức tranh chung về tình trạng người dân ngày càng ngại đi xe buýt vì chất lượng phục vụ kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Chất lượng ngày càng kém là nguyên nhân dẫn đến việc hành khách quay lưng lại với xe buýt.


Anh Minh, một hành khách chúng tôi gặp trên xe chia sẻ: “Tôi không ngại lắm chuyện trộm cắp, móc túi trên xe nhưng nếu tính toán kĩ thì đi xe buýt hiện chi phí rất cao do hệ thống các tuyến xe buýt vẫn chưa liên thông với nhau”. Theo anh Minh, với những tuyến cố định, thường đi thì không nói, nhưng nếu hành khách muốn sử dụng xe buýt như một phương tiện lưu thông cơ động thì trung bình một lần đổi tuyến phải tốn ít nhất 5.000 đồng. Để đến được nơi cần đến, thường phải đổi tuyến hai đến ba lần… Để đi vài điểm trong ngày, số tiền sẽ cao hơn tiền xăng xe máy, đó là chưa kể những bất tiện do phải đi bộ, hoặc đi xe ôm để đến trạm chờ. Để giảm chi phí, nhiều người mua vé tháng, nhưng do áp lực doanh thu hàng ngày, nhiều tài xế tỏ ra khó chịu với hành khách mua vé tháng.

Trong đợt giám sát vừa qua của HĐND thành phố cũng cho thấy, nguyên nhân phổ biến khiến lượng khách đi xe buýt ngày càng giảm là do chất lượng phục vụ hành khách của loại hình này chưa đáp ứng kỳ vọng. Người dân thành phố rất lo ngại vì tình trạng mất an ninh trật tự như trộm cắp, móc túi, quấy rối tình dục… vẫn diễn ra thường xuyên. Thái độ phục vụ hành khách của lái xe và nhân viên xe buýt trên nhiều tuyến rất kém. Kết quả phân tích hơn 7.000 phản ánh của hành khách đi xe buýt cho thấy, các lỗi chủ yếu của phương tiện này là phân biệt đối xử với hành khách (chiếm 8,5%), bỏ trạm không đón khách (23,9%), không cho hành khách xuống trạm (7,86%), văn hóa ứng xử kém (19,4%). Ngoài ra, hành khách còn nhiều bức xúc liên quan đến vé, mức độ an toàn, lộ trình và thời gian...

Tính toán của sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ nay đến cuối năm, xe buýt chỉ có thể thu hút được 10% nhu cầu đi lại, đồng nghĩa với việc không hoàn thành mục tiêu thu hút khoảng 600 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng (tương đương 15% nhu cầu đi lại). Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố mới đạt khoảng 270 triệu lượt hành khách, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xe buýt đạt 153 triệu lượt hành khách, giảm 13%, xe buýt có trợ giá đạt 3,1 triệu chuyến, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 2 chuyến/ngày (giảm 0,1%). Lượng khách bình quân trên mỗi chuyến cũng giảm khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014 (gần 40 hành khách/chuyến).

Chính sách đầu tư chưa hợp lý

Các chuyên gia giao thông cho rằng, phương thức trợ giá xe buýt như hiện nay là cách làm sai lầm khiến chất lượng phục vụ ngày càng kém. Trung bình mỗi năm, TP Hồ Chí Minh trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng. Số tiền này được trợ giá trực tiếp căn cứ theo số lượng vé bán ra. Tuy nhiên, nếu việc kiểm soát của các cơ quan chức năng không tốt sẽ dẫn đến tình trạng khai tăng lượng vé bán ra để gian lận tiền trợ giá. Thống kê của của ngành giao thông TP Hồ Chí Minh cũng chưa phản ánh đúng thực chất về số lượng người sử dụng xe buýt do chủ yếu căn cứ vào số lượng vé bán ra, trong khi thực tế do tình trạng gian lận vé vẫn đang diễn ra khá phổ biến nên số lượng hành khách là số ảo không ít. Chính việc thống kê không chính xác cũng như chính sách trợ giá không sát với thực tế đã tạo ra nhiều bất cập trong chiến lược phát triển xe buýt của Thành phố.

TS Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông cho biết, ở các nước trên thế giới, nhà nước vẫn trợ giá cho vận tải bằng xe buýt, nhưng thông qua đấu giá, đấu thầu gói tiền trợ giá căn cứ theo từng tuyến đường cụ thể chứ không trợ giá theo kiểu bao cấp trực tiếp trên giá vé như cách làm ở nước ta. Phương thức đấu thầu là chọn đơn vị tham gia vận tải xe buýt đưa ra mức giá đấu thầu (mức trợ giá) hợp lý nhất căn cứ trên lượt khách, lượng xe trên từng tuyến cụ thể. Cách làm này sẽ giúp chọn đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt với chi phí hợp lý và giảm tiêu cực phát sinh, doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút hành khách. “Nếu cơ quan chức năng không muốn thực hiện cách để doanh nghiệp đấu thầu gói tiền trợ giá mà chỉ chú trọng cách làm chờ trợ giá kiểu bao cấp trực tiếp trên giá vé thì khó ngăn chặn tiêu cực phát sinh”, TS Phạm Sanh khẳng định.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, từ 2005, thành phố đã triển khai đấu thầu trợ giá xe buýt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tuy nhiên, việc triển khai đấu thầu luôn gặp khó khăn do rất ít DN vận tải tham gia. DN tham gia thì lại bỏ thầu giá cao hơn mức giá phê duyệt nên phải làm lại thủ tục đấu thầu, hủy thầu…

Về vấn đề này, chủ nhiệm một Hợp tác xã vận tải cho biết, thực ra, việc các DN không tham gia đấu thầu trợ giá là do chính sách gọi thầu của thành phố không sát thực tế. Nhiều thông tin khảo sát về lượng khách đi lại trên tuyến cũng như dự kiến mức gia tăng hành khách hàng năm cũng không đúng. Chẳng hạn, gói thầu tuyến xe buýt số 87 dự kiến bình quân mỗi năm tăng khoảng 5% lượng khách đi lại, trong thực tế lượng khách chỉ tăng 1%/năm. Ngoài ra, quy định thời gian nhận thầu 3 năm là quá ngắn, DN đầu tư sẽ chưa kịp để có lãi. Trong khi những tuyến xe buýt đưa rước học sinh là có thể tính toán chính xác lượng hành khách ổn định, nhưng thành phố lại không đưa vào đấu thầu trọn gói… Ngoài ra, một số tuyến có lượng khách cao, thành phố có thể đưa ra đấu thầu không cần trợ giá, DN cũng có thể tham gia.

Ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ nhiệm HTX 19/5: 

Để hạn chế tình trạng móc túi, quấy rối tình dục và mất an toàn trên xe buýt cũng như hỗ trợ kiểm soát số lượng hành khách đi xe buýt, kiểm soát thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên trên xe buýt… trên mỗi xe buýt cần có hệ thống camera theo dõi. Hiện nay HTX 19/5 đã lắp đặt camera trên 51 chiếc xe buýt đang chạy tuyến số 33 (Bến xe An Sương - Suối Tiên - ĐHQG TPHCM). Từ nay đến hết quý IV/2016, chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt trên tất cả xe buýt còn lại. Hiện tại, HTX 19/5 có 430 xe buýt đang hoạt động trên 18 tuyến.



Lê Hiền
Tuyên truyền luật giao thông tại nhà chờ xe buýt
Tuyên truyền luật giao thông tại nhà chờ xe buýt

Ngày 17/8, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải thành phố bắt đầu triển khai dán đề can tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tại 100 điểm trung chuyển, nhà chờ xe buýt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN