7 triệu ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí
Đánh giá về ảnh hưởng của chất lượng không khí tới sức khỏe con người, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí cả ở ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm, nghĩa là trung bình cứ mỗi 7,5 giây lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh liên quan tới hô hấp do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Ô nhiễm không khí được Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra đó chính là các bụi mịn PM2.5 sinh ra từ hoạt động sản xuất công nghiệp, hệ thống giao thông vận tải và sinh hoạt của người dân như đốt rác thải, chất thải... Bụi mịn PM2.5 hay PM10 là loại bụi rất nhỏ chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc nên có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phía nan, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gen. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế ví bụi mịn là “sát thủ vô hình” gây ra các bệnh đột quỵ, tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 cũng nhìn nhận ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5 đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe của con người trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) chia sẻ, các bệnh lây nhiễm ở Việt Nam có xu hướng gia tăng, chiếm đến 77% và đa số do ô nhiễm môi trườg không khí, nước, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam thì sáu bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí.
Ô nhiễm không khí gây ra mức tổn hại lớn đến sức khỏe và tác động lớn đến nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, ước tính thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, tương đương 4% GDP của Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi tường do quá trình đô thị hóa như rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, ô nhiễm không khí đang là vấn đề nan giải của thành phố. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội bao gồm khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Các trạm quan trắc bụi tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2021 đến nay đều ghi nhận lượng bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng thông thường. Nồng độ PM2.5 trong không khí có xu hướng đạt mức cao nhất từ thời điểm cuối năm kéo dài đến tháng 3 năm sau, tức vào mùa khô ở khu vực Nam Bộ.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định các nguồn gây ô nhiễm không khí là từ các phương tiện giao thông, công trường xây dựng và việc chuyên chở vật liệu, chất thải xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp (khí thải) và các hoạt động nông nghiệp (đốt rác, đốt đồng…). Trong đó hoạt động giao thông đường bộ được xem là nguồn chính gây ô nhiễm không khí.
Hành động vì không khí sạch, thành phố xanh
Theo bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, con số 70.000 người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí cao gần gấp đôi tổng số người tử vong ở Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Do đó Việt Nam cần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí như cách đã làm với COVID-19, coi ô nhiễm không khí là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Bà Angela Pratt chỉ ra rằng, để ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đòi hỏi Việt Nam cần có hành động ở các mức độ khác nhau. Cụ thể trong ngắn hạn, cần có giải pháp hạn chế người bị phơi nhiễm và bảo vệ những người có nguy cơ cao. Trong trung và dài hạn, cần giải quyết tận gốc nguyên nhân khiến người dân bị bệnh, ở trường hợp này là nguồn ô nhiễm, bao gồm giảm nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm từ giao thông, hạn chế đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ. “Không khí sạch và bầu trời trong xanh không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tạo ra các lợi ích xã hội và kinh tế đáng kể cho Việt Nam”, bà Angela Pratt khẳng định.
Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã có đóng góp tích cực vào việc cải thiện chất lượng không khí trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Điển hình là cam kết chuyển đổi năng lượng công bằng và hỗ trợ cam kết trung hòa khí thải của Việt Nam vào năm 2050, hỗ trợ các hoạt động về giao thông xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải và thông qua đánh giá hàng năm về nhận thức của người dân về quản trị môi trường. Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí rất việc làm quan trọng trong nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan, các cơ quan chính phủ, đối tác khu vực tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế và địa phương đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí.
Để kiểm soát ô nhiễm không khí cũng như thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí; cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Ngày 2/3/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi đây là văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí tại Thủ đô. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư, đối tác quốc tế.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là đến năm 2030, Hà Nội sẽ thành công giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.
Hiện Hà Nội đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực. Hà Nội cũng thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành Kế hoạch tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn giai đoạn 2024 – 2025.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 Thành phố kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, giảm 85% ô nhiễm không khí tăng do hoạt động giao thông vận tải; kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo tối thiểu 97% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và 100% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp lớn, rất lớn theo quy định đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và kết nối truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Thành phố kiểm soát hiệu quả bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, đảm bảo tối thiểu 90% công trình xây dựng tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát sinh bụi, khí thải trong thi công xây dựng công trình; kiểm soát hiệu quả mùi, khí thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, hướng tới không còn phát sinh các trường hợp đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí.
Cùng với đó, kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động dân sinh, hướng tới không còn phát sinh trường hợp đốt chất thải sinh hoạt hộ gia đình không đúng quy định gây ô nhiễm không khí; tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải; trong đó chú trọng quan trắc và xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM 2.5.
Từ góc độ nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định người dân Việt Nam chưa chú ý đến ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe bởi ô nhiễm không ảnh hưởng lập tức mà "ăn mòn" sức khỏe con người theo giời gian. Vì vậy muốn thực hiện hiệu quả các biện pháp chống ô nhiễm không khí, việc nâng cao nhận thức của người dân cần được đặt lên hàng đầu. Ông Hoàng Anh Lê cũng đề xuất ý tưởng cần có một đường dây nóng để người dân liên hệ khi gặp vấn đề về ô nhiễm không khí. Đây là việc làm cấp thiết để người dân có thể liên hệ khi gặp các vấn đề nguy hiểm liên quan đến ô nhiễm, đồng thời tăng cường công tác tự giám sát trong dân.