Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là bước đi dài để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP26.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cũng như những tác động của Hiệp ước Glasgow đến Việt Nam?
Hội nghị COP26 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như công bố tại Báo cáo lần thứ 6 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu vào tháng 8 vừa qua. Nếu không khẩn cấp xử lý, nhân loại sẽ đẩy biến đổi khí hậu đạt đến điểm không thể đảo ngược được. Hậu quả khi đó là khôn lường.
Thế giới đang trải qua những ngày khó khăn nhất do đại dịch COVID-19. Hội nghị COP26 là dịp để các quốc gia thể hiện sự mạnh mẽ trước vấn đề đại dịch và là cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, năm 2021 là thời điểm đánh dấu Thoả thuận Paris chuyển sang giai đoạn triển khai thực hiện trên phạm vi toàn cầu.
Một số kết quả nổi bật của Hội nghị COP26 bao gồm: 147 quốc gia đã đưa ra cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ 21 này. Hơn 40 quốc gia còn lại chắc chắn đang xem xét và sẽ đưa ra cam kết của mình trong thời gian tới. 25 quốc gia khác và nhiều định chế tài chính Tuyên bố chung dừng sử dụng nguồn lực công hỗ trợ phát triển điện than phát CO2 ra khí quyển từ 2022…
Ngoài ra, 22 quốc gia đã ký cam kết sản xuất 100% xe mới không phát thải cho thị trường chủ yếu từ năm 2035 và cho thị trường khác từ năm 2040. 141 quốc gia tham gia cam kết không khai thác gỗ từ rừng và bảo vệ rừng từ năm 2030. Hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm ít nhất 30% phát thải khí mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020, đồng thời áp dụng kiểm kê khí mê-tan theo cách thức tốt nhất; thực hiện kế hoạch quốc gia giảm phát thải mê-tan, kiểm điểm hàng năm.
Để hoàn tất Hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận, các quốc gia đã thông qua Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow, hoàn thiện cơ bản Bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris đã được xây dựng từ năm 2016 đến nay và đã được thông qua một phần tại Hội nghị COP24 năm 2018 tại Ba Lan và Hội nghị COP25 năm 2019 tại Tây Ban Nha.
Tuy mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng mức tài chính hỗ trợ cho hoạt động thích ứng, xử lý tổn thất và thiệt hại chưa được như mong muốn, nhưng có thể nói, Hội nghị COP26 đã thành công, khẳng định một xu thế mới là: hành động mạnh mẽ, cùng nhau thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức an toàn cho phát triển bền vững của hành tinh.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những cam kết và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia tại Hội nghị COP26?
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN). Tại Hội nghị COP26, Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp, sự kiện quan trọng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Việt Nam như: Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tham gia sự kiện công bố cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu; công bố Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất… Điều đó đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm và cam kết chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Đồng thời, những tuyên bố chính trị của Thủ tướng Chính phủ cho thấy vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu và cũng chính là giúp Việt Nam vượt qua thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu hiện nay.
Chúng ta đã tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng như cam kết không xây dựng mới điện than; cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý; tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; cùng các quốc gia thảo luận dẫn đến đồng thuận thông qua Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow. Đây là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, hòa cùng với xu thế chung của nhân loại, xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải. Các cam kết của Việt Nam đã được các nhà Lãnh đạo các nước, các tập đoàn lớn trên thế giới đánh giá cao.
Để thực hiện hiệu quả những cam kết trên, Việt Nam sẽ triển khai những công việc cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?
Để đưa ra cam kết trên, ngay trước thời điểm chính thức tham dự Hội nghị COP26, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng; trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, các cam kết của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch…
Thực tế, các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu đưa vào Luật, vào Nghị định đã được chuẩn bị trên cơ sở Gói Thỏa thuận khí hậu Katowice đã được thông qua năm 2018 tại Hội nghị COP24. Do đó, các điểm mới trong Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow lần này như cơ chế thị trường các-bon sẽ được tiếp tục nội luật hóa để xây dựng thị trường các-bon nội địa của Việt Nam hoàn thành vào năm 2025, thực hiện thí điểm và đi vào hoạt động chính thức từ 2028. Các quy định trên cũng là cơ sở pháp lý để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, đúng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động đến toàn dân thì toàn dân phải tham gia ứng phó.
Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện.
Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã đề xuất Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo... đồng thời sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu;
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Quy hoạch không gian biển quốc gia; triển khai áp dụng các công cụ định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon và phát triển thị trường các-bon trong nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường; xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất…
Bộ trưởng có thể cho biết những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội của Việt Nam khi thực hiện các cam kết mà chúng ta đã tham gia?
Có thể nói, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn mang tầm chiến lược, kịp thời nắm bắt xu thế thời đại về phát triển các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, qua đó gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về con đường phát triển của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Điều đó đã giúp chúng ta có thể tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư toàn cầu, cũng như đáp ứng được sự thay đổi về “luật chơi” mới về thương mại, kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, để thực hiện được những cam kết trên còn có rất nhiều việc phải làm. Trước hết là phải rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã và đang được xây dựng của các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050.
Đồng thời, để nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, chúng ta cần phải rà soát, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư rất thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước G7, các nước Bắc Âu,… trong đó có nhiều nước có quan hệ rất tốt đẹp và là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là việc cần phải thực hiện có lộ trình phù hợp để thay đổi tâm lý vì lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài còn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của toàn xã hội…
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng, nguồn lực tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu cũng còn rất khó khăn. Do đó, chúng ta cũng phải chủ động có các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp vào các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực trong nước rất thiếu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước thật tốt để đáp ứng và áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.
Trên đây là một số thách thức chính khi chúng ta triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26; tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với quyết tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất của quốc gia, sự ủng hộ của xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, việc chuyển đổi của Việt Nam gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên chắc chắn sẽ thành công.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!