Ngổn ngang rác trên vịnh di sản
Tình trạng rác thải trôi nổi tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không những gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông đường thủy mà còn gây bức xúc cho khách du lịch, ảnh hưởng đến uy tín của khu di sản. Ngày 15/3/2023, Trung tâm Di sản thế giới đã có văn bản gửi quốc gia thành viên Việt Nam phản hồi về hiện trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; trong đó, gửi kèm thư của khách du lịch quốc tế phản ánh tình trạng rác thải trôi nổi quá nhiều trên vịnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm chuyến du lịch của họ.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, phần lớn phao xốp này do các hộ dân nuôi trồng thủy sản xả ra biển trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè. Thời gian qua, các địa phương của Quảng Ninh đã huy động nhân lực, phương tiện, ra quân kiểm soát, xử lý nghiêm những hộ nuôi trồng thủy sản tự phát, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông đường thủy. Nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ đã làm gia tăng rác thải, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên khẩn trương và nghiêm túc triển khai các giải pháp. Cụ thể là kiểm soát hiệu quả lượng rác thải phát sinh trong quá trình thực hiện tháo dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản và kiểm soát nguồn rác thải tại khu vực ven bờ thuộc địa phương quản lý, không để phát sinh rác thải ra ngoài môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các chủ bè và ngư dân làm phát tán vật tư, phao xốp, bè nuôi trồng thủy sản ra môi trường, ảnh hưởng tới vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đề nghị các địa phương tổ chức huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo thu gom triệt để các vật tư, rác thải, phao xốp từ các hoạt động phá dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép để không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Bá Căn, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn 2, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, đơn vị phải huy động mọi nguồn lực từ các phòng, ban… của Ban Quản lý vịnh, Công ty cổ phần Công viên cây xanh và các doanh nghiệp, chủ tàu trên vịnh để thu gom rác. Các tàu chạy liên tục để vận chuyển rác vào bờ, mỗi ngày thu gom hàng tấn phao xốp. Kích thước các loại phao xốp rất cồng kềnh khiến việc thu gom khá vất vả, tuy nhiên, đơn vị vẫn nỗ lực cố gắng để đảm bảo cảnh quan môi trường cho du khách, nhất là đợt cao điểm du lịch hè sắp tới.
Ông Nguyễn Bá Căn cũng mong muốn các địa phương như thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên sẽ phối hợp thu gom phao xốp trên địa bàn, lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản để hạn chế tối đa lượng rác thải trôi nổi đến vịnh Hạ Long.
Ra quân thu gom "phần nổi"
Trong ngày 8/4, UBND thành phố Hạ Long đã huy động trên 100 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích, người dân và doanh nghiệp, cùng gần 30 phương tiện tàu, xuồng ra quân thu gom rác từ hòn Dầm Bắc đến khu vực hang hồ Động Tiên, Núi Lượt, Chân Voi, Tùng Lâm. Sau khi thu gom, toàn bộ lượng rác thải được đưa vào bờ tập kết để xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết, ngày 4/4, địa phương đã ban hành kế hoạch số 150/KH-UBND về triển khai đợt cao điểm bảo vệ môi trường biển. Theo đó, thời gian thực hiện đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra từ ngày 4-20/4. Sau đợt cao điểm, tiếp tục duy trì bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố từ ngày 21/4- 31/12/2023 và các năm tiếp theo. Việc này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Kế hoạch được triển khai nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, sâu sắc trong nhận thức, hành động, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về bảo vệ môi trường; tạo động lực mạnh mẽ đối với các tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, ngoài việc tổ chức ra quân đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển, thường xuyên thu gom, xử lý rác thải khu vực ven bờ, thành phố Hạ Long cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện việc di dời, tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên địa bàn xong trước ngày 15/4/2023; xây dựng bản đồ tổng thể đánh giá hiện trạng, diện tích tọa độ các cơ sở nuôi biển và vùng nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển của thành phố; rà soát xác định cụ thể diện tích, vị trí, tọa độ vùng nuôi biển tập trung đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTG ngày 11/02/2023 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan.
Tại thành phố Cẩm Phả, từ ngày1-15/4/2023cũng đã triển khai đợt cao điểm ra quân làm sạch môi trường biển, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải đến môi trường biển. Trong thời gian thực hiện đã thu gom hàng tấn rác từ hoạt động tháo dỡ lồng bè, cùng nhiều các loại rác thải khác trôi nổi trên vịnh Bái Tử Long.
Việc xử lý, tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép được các địa phương quyết liệt thực hiện, tuy nhiên cần giám sát và có biện pháp cam kết để các hộ dân khi tháo dỡ sẽ thu gom và di chuyển phao xốp, bè gỗ, rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản vào bờ để xử lý, không để tình trạng một bộ phận ngư dân vô tư xả thải và nhiều tổ chức, cá nhân khác phải chạy theo để thu dọn như hiện tại.