Hàng nghìn hiện vật tưởng nhớ những chiến sỹ Cách mạng

Hơn 4.000 hiện vật, hình ảnh và di vật, trong đó có những di vật thấm máu của những chiến sỹ cách mạng, đang được cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng “Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày” cất giữ suốt 14 năm qua. Những kỷ vật như mang theo cả tinh thần, hồn thiêng của những người chiến sỹ cách mạng gan dạ, đầy khí phách và bản lĩnh sáng ngời.

Chú thích ảnh
Không gian tái hiện khu chuồng cọp giam cầm các chiến sĩ cách mạng tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Ám ảnh “địa ngục trần gian”

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40 km, tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, có một bảo tàng đặc biệt mang tên “Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày”.

Chú thích ảnh
Kẻ địch bắt tù binh ngồi vào thùng phuy bằng tôn, lấy cây gõ thật mạnh ở bên ngoài thùng. Người tù phải chịu lực ép của không khí, cùng tiếng vang của thùng bị trào máu mũi, tai ù đặc, khi ra khỏi thùng thường bị điếc và loạn óc, đau đầu kinh niên.

Ông Kiều Văn Uỵch, Phó Giám đốc Bảo tàng giới thiệu: Bảo tàng có diện tích khoảng 2.000 m2, chia làm 2 khu với 10 gian trưng bày. Hiện tại, bảo tàng trưng bày, lưu giữ hơn 4.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, tái hiện sự khốc liệt qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Các hiện vật tại bảo tàng cũng cho thấy tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sỹ cách mạng trong các nhà tù của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Điều đặc biệt là hướng dẫn viên tại bảo tàng chính là các cựu tù binh năm xưa, những chiến sĩ cách mạng từng bị kẻ thù giam cầm. 

"Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng tuy nhỏ bé, cũ kỹ, thậm chí là mảnh bát sứt mẻ, nhưng chứa đựng trong đó bao kí ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng’, ông Kiều Văn Uỵch xúc động nói.

Chú thích ảnh
Một trong những hình ảnh về sự tra tấn khốc liệt với những chiến sĩ cách mạng năm xưa. Chúng nhốt chiến sỹ vào "chuồng cọp" đầy thép gai.

Đó là câu chuyện về lá cờ Tổ quốc bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa, cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang đã hiến tặng cho bảo tàng. Trao tặng lá cờ, ông Nghĩa rưng rưng dặn dò: “Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống, người ta xe hơi nhà lầu, tôi chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình thôi…”. Đến giờ, lá cờ ấy không còn màu đỏ tươi nữa, màu máu khô quyện với màu thời gian tạo thành màu đỏ sẫm, như một dấu tích lịch sử, minh chứng cho lòng kiên cường bất khuất của những người lính cụ Hồ.

Chú thích ảnh

"Xin quý khách nhẹ chân một chút;
Trong khu này có hồn của bạn tôi;
Bao lớp người máu đổ xương rơi;
Dâng Tổ quốc để đời đời hạnh phúc".

Từng câu chuyện về sự tàn độc của quân thù; sự bất khuất của chiến sĩ Việt Nam đã được tái hiện rõ trong từng hiện vật tại bảo tàng. Đó là những chiếc thùng phuy chỉ vừa một chiến sỹ ngồi, kẻ địch đã đổ đầy nước vào trong, dùng búa gõ trên đỉnh cho tới khi người chiến sỹ đó bị trào máu mắt, máu miệng… Đó là chuồng cọp đầy dây thép gai nhốt các chiến sỹ; căn hầm cầm cố tù nhân chen chúc người hàng tuần không được tắm rửa, đầy hầm là phân và nước tiểu của người tù không được quét dọn, mùi hôi thối nồng nặc.

Chú thích ảnh

“Thân ta nát vì đòn roi của địch
Chí ta bền có Đảng quang vinh
Chết còn cởi áo trao nhau
Bát cơm để lại người sau ấm lòng”…

Tại bảo tàng, còn minh chứng về những nhục hình tra tấn các chiến sỹ, bội đội cụ Hồ như thời Trung cổ, đó là kẻ địch đã treo ngược các chiến sỹ để đánh đập; đóng đinh vào đầu, nhốt vào thùng phuy để phơi nắng, bẻ răng, móc mắt... nhằm hủy diệt ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng. Những công cụ khủng khiếp mà kẻ địch sử dụng để tra tấn được gắn với cái tên "vồ sầu đời", "gậy biệt ly", "chảo luộc người"… đã được bảo tàng tìm kiếm, trưng bày, nhằm tố cáo và tái hiện tội ác của kẻ địch.

Chú thích ảnh

“Mỗi ngày chúng chỉ cho bộ đội ăn một nắm cơm, uống một ca nước, có ngày không được ăn. Mùa hè nắng rát, chúng mang "chuồng cọp" ra phơi nắng. Người ngồi trong chuồng phải liên tục bới cát cho mát. Đêm mùa đông giá rét, chúng đổ nước lạnh dội lên người chiến sỹ và nói rằng… "tắm cho cọp". Ban ngày, chúng dùng dây nhựa đốt rồi nhỏ vào từng người. Bản thân tôi cũng bị nhốt vào chuồng cọp gần 20 ngày, đến khi gần chết chúng mới cho ra ngoài. Tôi phải mất nhiều tháng trời mới hồi phục được sức khỏe”, ông Kiều Văn Uỵch, nhân chứng sống từng bị tra tấn tại Nhà tù Côn Đảo nhớ lại những tháng năm kinh hoàng.

Chú thích ảnh
Một góc trưng bày phản ánh tội ác nhà tù đế quốc Mỹ. 

Các khu vực trưng bày trong bảo tàng được phân chia khoa học, hợp lý, có Khu đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sỹ đã hy sinh ở Nhà tù Phú Quốc và các chiến trường; khu lưu giữ bút tích của Bác Hồ; khu lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ; khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - Ngụy; khu giới thiệu hoạt động đấu tranh của những chiến sỹ, đảng viên trong nhà tù Phú Quốc; khu quản lý chung hoạt động của bảo tàng.

Điểm tựa tinh thần của thân nhân liệt sỹ

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng, từng là cựu tù binh bị giặc bắt tù đày tại Nhà tù Phú Quốc kể: “Khi bị địch bắt và giam cầm, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều đồng đội bị tra tấn, tù đày, có những người đã hy sinh ngay sau những màn tra tấn khủng khiếp của quân địch… Những ký ức đó nó cứ trăn trở, ám ảnh tôi suốt cuộc đời”.

Chú thích ảnh
Kẻ địch đã treo ngược các chiến sỹ để đánh đập. 

Chính vì vậy, hơn 40 năm sau ngày được trao trả tự do bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), những ký ức của người cựu chiến binh năm xưa vẫn hiện về rõ nét như mới ngày hôm qua. Ông Lâm Văn Bảng luôn bày tỏ sự biết ơn các thế hệ ông cha, những đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, để cho ông cũng như nhân dân Việt Nam có được cuộc sống yên bình như ngày nay. 

“Tôi luôn trăn trở phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội; đồng thời, phơi bày những tội ác của kẻ thù cho mọi người biết. Những kỷ vật, hình ảnh của thời chiến sẽ là bài học nhắc nhở cho các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình, tự do”, ông Lâm Văn Bảng chia sẻ.

Ông kể: Sau ngày trở về vào năm 1973 (theo Hiệp định Paris) cho tới năm 1985, ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông của Công ty 208 về quản lý đường bộ. Khi chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ, đơn vị của ông đã phát hiện một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu. Sau khi vớt lên, rút ngòi thuốc nổ an toàn, ông Bảng đã xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày. Ông Bảng và nhiều anh em công ty không ngờ đã thu hút sự chú ý, quan tâm đông đảo của nhiều người dân. Ai đi qua cũng dừng lại để xem hiện vật của thời chiến.

Chú thích ảnh
Bút của các chiến sĩ cách mạng dùng viết trên cát để học văn hóa tại Nhà tù Phú Quốc. 

“Tôi chợt nghĩ rằng, góc khuất của cuộc chiến tranh là máu, xương của người chiến sỹ, những người đồng đội của tôi... Vì vậy, mình cần phải đi tìm lại những hình ảnh, kỷ vật của đồng đội năm xưa để mọi người có thể tưởng nhớ về những người đã ngã xuống”, ông Lâm Văn Bảng nói. 

Chính vì vậy, năm 2006, bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị bắt tù đày - nơi tái hiện “địa ngục trần gian” với những đòn tra tấn dã man ở Nhà tù Côn Đảo đã được một nhóm các cựu chiến binh do ông Lâm Văn Bảng khởi xướng thành lập và xây dựng.

Ban đầu, nơi đây là khu trưng bày với cái tên giản dị: “Phòng truyền thống chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày”. Sau mấy chục năm, ông Bảng đã dồn tiền lương thương binh, cộng thêm tiền gom góp của bạn bè, anh em họ hàng, đến năm 2007, khi hệ thống cơ sở vật chất được hoàn thành, bảo tàng chính thức được tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định công nhận với tên gọi “Bảo tàng các chiến sĩ Cách mạng bị bắt tù đày”. Đây là lần đầu tiên một bảo tàng tư nhân ở Việt Nam thành lập và được công nhận.

Theo ông Bảng, khó khăn lớn nhất khi đi sưu tầm các kỷ vật là tuổi cao, sức yếu, việc đi lại không thuận lợi. Nhưng với tinh thần “4 tự” là: Tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm, nên những khó khăn đó dần qua đi. Ban đầu gia đình, làng xóm chưa hiểu hết, nên không tán thành, chính vì vậy khi sưu tầm các kỷ vật về chỉ để vào phòng truyền thống diện tích vẻn vẹn 12 m2 tại gia đình. Ông Bảng tâm sự: “Sau này, đi tới đâu tôi cũng mang kỷ vật theo cho anh em xem. Từ đó cũng để giới thiệu với mọi người hiểu, góp sức cho công việc ý nghĩa đó”.

Chú thích ảnh
Sống trong “địa ngục trần gian”, những cực hình của cai ngục nhà tù thực dân, đế quốc, chẳng những không thủ tiêu được tinh thần và ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, mà còn giúp tôi luyện “chí thép”.

Câu chuyện xúc động khiến ông Lâm Văn Bảng nhớ mãi là có lần tới huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, đến thăm gia đình đồng chí Nguyễn Văn Thọ. “Tôi là thương binh, không thể đi được xe vào vì nhà tít ở bản xa. Tôi và một số anh em phải lội suối, trèo đèo đi từ sáng đến trưa mới tới nơi. Tới lúc bữa cơm của gia đình anh Thọ mới thấy chỉ có đĩa rau muống, bát muối chấm nhìn rất xót xa. Nhìn ngang ngôi nhà chỉ thấy bìa rừng, ngó lên nóc nhà thấy bầu trời xanh. Trong nhà còn có cháu bé bị chất độc da cam. Gia cảnh là thế, nhưng chúng tôi nghẹn ngào khi thấy anh Thọ đưa cho chúng tôi quyển sách học chính trị vẫn còn giữ nguyên vẹn thời trong lao tù. Gia tài trong nhà có lẽ là chiếc hòm sắt chứa kỷ vật thiêng liêng là cuốn sách học”, cựu tù binh Lâm Văn Bảng nói. Không ai bảo ai, ông Bảng và đồng đội đi cùng đã cởi áo khoác, áo dạ, dốc hết tiền bạc để biếu gia đình ông Thọ. 

Chú thích ảnh
Một trong nhiều hiện vật về các hình thức tra tấn, giết hại tù nhân như thời Trung cổ được trưng bày như: Đục răng, bẻ răng, dội nước sôi, đóng đinh, gõ thùng; đánh đập tù nhân bằng vồ sầu đời, gậy biệt ly, roi cá đuối; cưa chân không gây mê… khiến nhiều tù binh đau đớn và mất mạng. 

Tính đến nay, bảo tàng đã duy trì được 14 năm, hàng ngày vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các ngày lễ, Tết. “Vào các ngày lễ như: 27/7, Tết, nhiều người ở mọi miền tỉnh thành đã tìm đến bảo tàng. Họ đến chỉ với tấm lòng khao khát muốn nhớ lại, muốn tìm chút hình hài của chồng, vợ con họ đã hy sinh nơi chiến trường. Đây có lẽ là điểm tựa tinh thần để họ và những người thân có liệt sỹ hy sinh, nhất là không tìm thấy thân xác có thể được an ủi phần nào, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn. Có giây phút giao thừa, dù cách xa hàng trăm cây số, nhiều người vẫn tìm đến bảo tàng, dù chỉ thắp nén nhang rồi vội vã về quê ăn Tết…”, ông Bảng xúc động kể.

Bài và ảnh, clip: M.Phương – L.Phú/Báo Tin tức
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội - Sự kiện đặc biệt trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội - Sự kiện đặc biệt trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945

Tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên đánh đổ ách thống trị của đế quốc phát xít và chính quyền bù nhìn tay sai, giành lại độc lập, tự do, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN