Ngày 4/11, tại Bình Dương, Hội nghị Hội môi trường đô
thị và khu công nghiệp khu vực miền Nam lần thứ XI – 2011 đã thống nhất cao giải
pháp bảo vệ môi trường là phải hạn chế công nghệ chôn lấp và tập trung phát
triển công nghệ tiên tiến, điển hình là công nghệ ủ rác chế biến thành phân
compost.
Xử lý rác thải là vấn đề lớn ở các đô thị. |
Theo đó, nguyên liệu chế biến phân compost là rác hữu cơ (như thức ăn
thừa, cọng rau, vỏ quả…). Tỉ lệ chất hữu cơ trong rác thải ở TPHCM hiện nay là
60,14%, Đồng Nai: 71,42%, Bình Dương 69,36%, Vũng Tàu 69,87%. Tuy nhiên, khâu
phân loại các loại chất thải đô thị là một vấn đề thách thức lớn bởi ý thức,
thói quen xả rác thải của người dân và công nghệ xử lý vẫn chưa triển khai đồng
bộ.
Các nhà chuyên môn về môi trường đánh giá hiện rác thải sinh hoạt ở các
tỉnh thành không ngừng gia tăng nhưng công nghệ xử lý rác của nước ta vẫn còn ở
mức thô sơ, chủ yếu là chôn lấp lộ thiên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng,
chiếm nhiều diện tích đất, gây mất cảnh quan môi trường. Dự báo đến năm 2015,
tổng khối lượng rác thải phát sinh của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long là 4.600
tấn/ ngày. Hiện TPHCM mỗi ngày đã phát sinh hơn 7.000 tấn rác sinh hoạt.
Hội
nghị đề xuất đẩy mạnh xử lý rác và tái chế chất thải theo công nghệ tiên tiến,
đầu tư xây dựng lò đốt rác công nghiệp độc hại, rác y tế, lò hỏa táng… ở Tp.HCM,
Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long…Vấn đề huy động vốn đầu tư xây dựng khu
xử lý rác tiên tiến đang là thách thức với các tỉnh thành phía Nam, nhất là
TPHCM. Tại Bình Dương xây dựng khu xử lý các loại chất thải với quy mô 75 ha
tiếp nhận xử lý phân loại, đốt tiêu hủy trung bình 700 tấn rác sinh hoạt và trên
80 tấn chất thải công nghiệp các loại.
Chủ tịch Hội môi trường đô thị và khu
công nghiệp khu vực miền Nam – Huỳnh Minh Nhựt cho biết, Trong thời gian tới,
Hội sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường để
thu hút các nguồn lực, tiềm năng trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao
trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải công
nghiệp và chất thải nguy hại./.
Dương Chí Tưởng