Để chấm dứt tình trạng trên, UBND thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định về việc giao tạm thời ranh giới quản lý hành chính đối với khu vực vùng nước này.
Theo đó, các mốc giới được xác định là các vật có tính lịch sử, nếu khu vực nào chưa có mốc giới loại này thì Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nội vụ, các quận, huyện cắm mốc giới. Đối với ranh giới khu vực mặt nước trên biển được xác định bằng định vị GPS.
Cùng với việc tạm giao quản lý hành chính trên biển giữa các quận, huyện ven biển, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã giao các địa phương bám sát mốc giới để lập quy hoạch chi tiết 1/500 phân định rõ khu vực nuôi ngao và khai thác cát, từ đó rà soát, áp dụng sát sao quy chế giao, cho thuê mặt nước khu vực cửa sông, ven biển mà thành phố đã ban hành trước đó.
Thời gian trước đây, do không được phân định rõ ràng về ranh giới trên biển giữa các quận, huyện đã dẫn đến tình trạng các địa phương buông lỏng quản lý tại các khu vực giáp ranh này, nuôi thả ngao tràn lan, khai thác khoáng sản diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc tranh chấp, gây mất an ninh trật tự giữa những đội tàu hút cát và các khu vực nuôi ngao.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 20 vụ tranh chấp, gây mất an ninh trật tự liên quan đến ranh giới trên biển giữa các đơn vị, cá nhân khai thác. Nhiều vụ việc các đối tượng sử dụng vũ khí “nóng”, đốt tàu, sử dụng “xã hội đen” tranh chấp nhau.
Để đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao hiệu quả quản lý, UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục giao cho các địa phương, Bộ đội Biên phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục giải quyết dứt điểm các tranh chấp còn tồn tại, không để tái diễn gây mất an ninh trật tự.