Nỗ lực khoanh vùng dịch, kiểm soát chặt các ca nghi ngờ
Chiều 16/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố Hà Nội, các đơn vị, địa phương đã báo cáo tình hình phòng chống dịch COVID-19 và những giải pháp nhằm kiểm soát dịch trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến hiện tại, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhân 13 trường hợp mắc COVID-19; đặc biệt, từ ngày 9-16/3 Thành phố đã ghi nhận thêm 9 trường hợp mắc mới, chưa có trường hợp tử vong.
Đến nay, sau rà soát, tổng số người tiếp xúc gần với các ca bệnh (F1) là 376 trường hợp, đã lấy mẫu xét nghiệm 371 trường hợp; trong đó có 364 mẫu có kết quả âm tính, 12 trường hợp đang chờ kết quả. Số trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc với người bệnh (F2) là 918 người, tất cả các trường hợp này đều được cách ly theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi cư trú; trong đó đã lấy 128 mẫu xét nghiệm. Kết quả 128/128 mẫu âm tính.
Hiện Hà Nội cũng đã tổ chức khoanh vùng, cách ly các khu vực có người bệnh, phun khử khuẩn và đảm bảo sinh hoạt của người dân trong khu vực cách ly.
Nói về công tác giám sát, cách ly trên địa bàn, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết: Quận Hoàn Kiếm đã tập trung rà soát từng trường hợp hành khách và người tiếp xúc với các hành khác trên 5 chuyến bay là: VN0054 (ngày 2/3), VN0054 (ngày 9/3), QR974 (ngày 2/3), QR968 và VN18. Đồng thời, quận Hoàn Kiếm cũng đã thực hiện tạm dừng hoạt động với các cơ sở kinh doanh, hàng hoá lưu động, quán bar, karaoke, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn… đến hết tháng 3 theo chỉ đạo của Thành phố. Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội yêu các cơ sở lưu trú trên địa bàn giám sát khách du lịch lưu trú trên địa bàn và hướng dẫn khách lưu trú khai báo y tế theo yêu cầu.
Qua rà soát hành khách chuyến bay VN0054 ngày 2/3, hiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 14 khách đang lưu trú, cả 14 trường hợp đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2, sức khoẻ bình thường. Chuyến bay VN0054 ngày 9/3 còn 22 người đang lưu trú trên địa bàn. Đặc biệt trước đó có 2 trường hợp trên chuyến bay này lưu trú tại phố Hàng Vôi dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và đã có phương án cách ly tất cả các trường hợp liên quan đến 2 trường hợp này. Chuyến QR968 nhập cảnh ngày 13/3 còn lại 8 hành khách đang lưu trú và được cách ly chặt chẽ.
Tại quận Long Biên, liên quan đến đoàn tiếp viên tại địa chỉ 200 Nguyễn Sơn, đêm 13/3 đã phát sinh thêm bệnh nhân số 50 dương tính với vi rút SARS-CoV-2, ngay sau khi nhận được thông tin, quận Long Biên đã cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức cách ly, điều tra dịch tễ và chuyển tuyến điều trị xét nghiệm với 84 trường hợp. Trong số các trường hợp này, có 31 trường hợp tiếp xúc gần, trong đó có 2 trường hợp nghi ngờ đã chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cách ly; còn lại 29 trường hợp đã cách ly tại địa chỉ 200 Nguyễn Sơn. Với các trường hợp F2 liên quan đến trường hợp này có 53 người, đã được lấy mẫu xét nghiệm và bước đầu có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính, hiện đang chuyển sang giai đoạn giám sát, theo dõi.
Không chỉ giám sát cách ly tại các địa bàn, việc giám sát hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài cũng đã thực hiện tích cực. Từ 0 giờ ngày 15/3, Hà Nội thực hiện kiểm dịch y tế và khai báo y tế đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ các nước khu vực Schengen, Anh, Bắc Ai len, Iran, Hàn Quốc. Đến 12 giờ ngày 16/3, đã kiểm dịch cho 826 hành khách từ các quốc gia có dịch về sân bay Nội Bài và chuyển tới các khu cách ly tập trung theo quy định.
Hà Nội cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương khác trong công tác giám sát dịch tễ đối với hành khách đã nhập cảnh tại sân bay Nội Bài và đã di chuyển tới các địa phương khác.
Nỗ lực ổn định tình hình dịch đến hết tháng 4
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định: Tại Hà Nội, hiện các ca lây nhiễm trong 10 ngày qua đều được xác định rõ nguồn gốc và có tình trạng lây nhiễm chéo. Đặc biệt, trong đó có 2 trường hợp âm tính nhưng 7 ngày sau lại phát bệnh. Vì vậy, cần nhìn nhận rõ để xác định các trường hợp có tiếp xúc gần có kết quả âm tính thì chưa thể yên tâm hoàn toàn. Cần tiếp tục theo dõi, giám sát với người đã hết thời gian 14 ngày cách ly. Bởi hiện nay trên thế giới, thậm chí có những người đến ngày thứ 39 mới phát bệnh. Với tất cả những trường hợp đã hết cách ly khi đã cho về địa phương vẫn phải theo dõi, chăm sóc sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với người thân, cộng đồng. Đảm bảo các trường hợp này khi được hơn 20 ngày, sức khoẻ ổn định mới có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Nhóm người này khi về cũng giảm các hoạt động tụ tập, đặc biệt nếu có các dấu hiệu liên quan đến sốt, ho, khó thở vẫn phải kiểm tra y tế.
Nói về năng lực xét nghiệm của Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: Trên địa bàn Thành phố hiện có thể huy động nguồn lực để có thể lấy được từ 1.500 - 2.000 mẫu xét nghiệm/ngày. Trong những ngày tới, năng lực xét nghiệm của Thành phố còn có thể cao hơn, lên tới 2.000- 2.500 mẫu/ngày. Điều này hỗ trợ rất lớn cho công tác phát hiện ca bệnh, phòng chống dịch trên địa bàn.
Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện nay Hà Nội có 3 nguy cơ lây nhiễm lớn.
Thứ nhất là nhóm người đi về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy đang giảm ca bệnh nhưng vẫn có nguy cơ cao. Đối với những trường hợp này cần tiếp tục chăm sóc sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người khác. Nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì phải báo ngay cho 115 để thực hiện cách ly và xét nghiệm miễn phí.
Thứ hai là nhóm khách du lịch người nước ngoài, học sinh đi từ châu Âu và các quốc gia có vùng dịch đến trước ngày 6/3, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro xuất hiện ca lây nhiễm từ nhóm này.
Thứ ba là người nước ngoài, các du học sinh đang trở về (gần 1000 người). Để kiểm soát các đối tượng này, Thành phố đang tổ chức khai báo y tế, tổ chức đo thân nhiệt, bởi những người này vẫn có thể phát bệnh trong những ngày tới.
Trước những nguy cơ trên, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị người dân nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội. Đặc biệt, cần tập trung mọi nguồn lực để phát hiện các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh từ các nhóm nguy cơ lây nhiễm cao như đã nêu trên để giảm thiểu mức thấp nhất việc lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Đồng thời kêu gọi người dân hạn chế ăn thịt chó, mèo; ngừng mọi sinh hoạt tôn giáo từ giờ đến hết tháng 3 để giảm nguy cơ lây nhiễm. Hy vọng dịch sẽ giảm dần từ cuối tháng 4.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng lưu ý, cần đưa việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là nhiệm vụ số 1, kinh tế mặc dù có thể giảm nhưng vẫn có thể khắc phục được. Còn nếu để dịch bệnh xảy ra rộng sẽ gây những tổn thương rất lớn về tâm lý xã hội kéo dài rất lâu.
Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, ngành Y tế Hà Nội đã đề nghị Thành phố bổ sung 220 máy thở 18 buồng áp lực âm để nâng cao năng lực điều trị, phòng chống dịch COVID-19 trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.