Tuyến đường Giảng Võ là một điểm đen về ùn tắc giao thông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Trong quý I/2018, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tai nạn giao thông ở Hà Nội đã được kiềm chế, giảm cả hai tiêu chí so với thời gian cùng kỳ năm ngoái (số vụ, số người bị thương) và ba tiêu chí so với thời gian liền kề (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, ngành chức năng cũng tăng cường cảnh giới an toàn giao thông tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn, không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên cho người đi bộ; tăng cường lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn quản lý theo quy định.
Trước mắt, trong dịp lễ 30/4 và 1/5, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly khoảng 80-100 km theo mô hình quản lý xe buýt, kết nối mạng lưới xe buýt trong nội thành; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải; chú trọng thanh tra, xử lý vi phạm đối với loại hình vận tải theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô…; đẩy mạnh xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Ban An toàn giao thông tiếp tục tham mưu thành phố triển khai ứng dụng công nghệ Iparking tại các điểm đỗ xe có thu phí trên địa bàn 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa); khảo sát nghiên cứu đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện để tổ chức áp dụng đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ và đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chú trọng tuyên truyền theo chủ đề “an toàn giao thông cho trẻ em”.