Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ngoài việc công ty TNHH Một thành viên công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị chủ lực trong việc trồng cây xanh thì các quận, huyện thị xã cùng các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc và có nhiều cách làm sáng tạo trong việc tăng diện tích trồng cây xanh tại địa bàn dân cư.
Đơn cử, mô hình biến bãi rác thành vườn hoa của nhóm cộng đồng “Sen trong phố”, khi biến một số bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm... thành những vườn hoa nhỏ xinh, tạo môi trường xanh, sạch cho khu dân cư. Hiện nay, mô hình này đã được đoàn thanh niên tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố triển khai.
Hay một cách làm khác, của hội phụ nữ quận Cầu Giấy "sử dụng đồ tái chế trồng cây xanh". Tại những không gian trống ở cầu thang, lối đi được nhiều chị em trồng cây hoa, cây cảnh vào những chậu cảnh cắt từ hộp nước giặt, can dầu ăn, đồ hộp nhựa cũ... Việc làm này đã biến tòa chung cư N5 Dịch Vọng với bê tông, cửa kính trở nên rực rỡ những sắc màu của hoa, lá.
Ở xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) đã mua 5 vạn cây dạ thảo, hàng trăm cây ngũ sắc, cây cọ… để trồng tại các điểm công cộng như: dọc 2,5km đường Quỳnh Đô ven sông Tô Lịch, đường trung tâm dẫn vào UBND xã, các điểm quanh trường học, khu dân cư… Kinh phí thực hiện đường hoa sắc màu chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và ngày công lao động của người dân.
Ông Trần Văn Khương, Bí thư huyện ủy Thanh Trì cho biết, địa phương đang có chủ trương biến những diện tích đất công bị lấn chiếm, vi phạm trật tự xây dựng để trồng hoa. Nguốn vốn để trồng hoa, cây xanh sẽ được thực hiện xã hội hóa.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã trồng thêm 138.600 cây xanh, cây bóng mát, trong đó các quận, huyện, thị xã trồng được 117.500 cây. Với nhiều cách làm sáng tạo của Hà Nội, hiện nay diện tích cây xanh trên đầu người của Thủ đô đã tăng lên đáng kể. Thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh từ 7m2/người lên 10 - 11m2/người vào năm 2020.