Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, dự kiến nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán 2014 sẽ giảm từ 15 - 20% do thời tiết lạnh và người dân đi du lịch, về quê ăn Tết. Hệ thống lọc nước sạch. Ảnh: TTXVN
|
Do nhu cầu giảm nên áp lực đòi hỏi chế độ vận hành nhà máy và vận hành mạng hợp lý để vừa đảm bảo mức độ dịch vụ cấp nước vừa chống thất thoát, tăng doanh thu tiền nước. Các nhà máy sản xuất theo kế hoạch bình quân đạt sản lượng 574.436 m3/ngày đêm. Đối với các khu vực còn khó khăn về nước, các đơn vị chủ động vận hành mạng để cấp nước cho nhân dân theo 2 tầm cao điểm buổi sáng và buổi chiều, trong đó buổi sáng từ 6 giờ đến 9 giờ và chiều từ 18 giờ đến 21 giờ, trong trường hợp bất khả kháng sẽ được cấp nước bằng xe bồn chở nước.
Hiện nay, Công ty Nước sạch Hà Nội đang quản lý và vận hành hệ thống cấp nước cung cấp nước sạch cho 8 quận nội thành (trừ quận Thanh Xuân), 5 huyện ngoại thành và một phần huyện Mê Linh (khu vực thị trấn công nghiệp Quang Minh) với tổng số khoảng 3.116.519 dân. Trong đó, tỷ lệ cấp nước sạch ở 8 quận nội thành đạt 100% (trừ một phần khu vực phường Phú Thượng có 3.000 hộ dân chưa được cấp nước sạch do Ban quản lý Dự án duy tu hạ tầng chưa bàn giao được mạng phân phối và dịch vụ để cấp nước vào nhà). Ngoài ra ở các huyện ngoại thành Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 41,93%.
Nguồn nước sạch cung cấp cho Hà Nội hiện nay được cấp bởi 2 nguồn chính là nguồn khai thác nước ngầm và nguồn nước mặt sông Đà, với tổng công suất cấp nước đạt 650.000 m3/ngày đêm. Trong đó từ nguồn nước ngầm chiếm tỷ lệ 92,31%, còn lại là nước mặt sông Đà. Mức độ dịch vụ cấp nước tốt, chất lượng nước bảo đảm theo tiêu chuẩn VN -01/2009/BYT.
Tuy nhiên, việc tăng nguồn cung nước sạch cho người dân trên địa bàn vẫn gặp khó khăn, nhất là vào mùa hè do nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm do chế độ thủy văn sông Hồng và thời tiết khô hạn; nguồn cấp nước từ sông Đà hay bị sự cố - ngừng cấp nước mỗi lần từ 2 - 3 ngày ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo dịch vụ cấp nước cho nhân dân. Công tác phối hợp của các đơn vị thi công công trình hạ tầng trên địa bàn các quận, huyện chưa được chặt chẽ gây ra các sự cố vỡ đường ống làm gián đoạn cấp nước.
Mặt khác, việc triển khai các dự án bổ sung thêm nguồn nước, mạng lưới đường ống cũng hết sức khó khăn do thiếu nguồn vốn ngân sách bố trí ứng trước, cơ chế áp dụng đơn giá giải phóng mặt bằng, cơ chế huy động vốn còn nhiều bất cập so với giá nước nên không huy động được các nguồn vốn xã hội hóa.
Tuyết Mai