Theo BHXH TP Hà Nội, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn là 1.989,4 tỉ đồng (tăng 136,3 tỉ đồng so với tháng 8) và chiếm 4,27% số phải thu. Chỉ tính 500 đơn vị, DN nợ BHXH kéo dài từ 6 - 24 tháng, thì số nợ đã lên tới gần 280 tỉ đồng (tính đến ngày 8/10/2019)..
Trong danh sách nợ BHXH trên 3 tỉ đồng có 11 DN như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garmant (KCN Quang Minh) nợ trên 21,09 tỉ đồng- 18 tháng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp cao Minh Quân (Nhà hàng O2- KĐT Văn Khê) nợ 16,4 tỉ đồng- 19 tháng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Tòa nhà ICON 4- 243A Đê La Thành) nợ 6,8 tỉ đồng...
Theo Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH Hà Nội), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN nợ đọng BHXH như: DN gặp khó khăn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, bị chiếm dụng vốn, bị nợ chồng chéo; chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; bị phong toả hoá đơn; thậm chí một số DN đã phải dừng hoạt động, giải thể...
Bên cạnh đó, cũng có một số chủ DN chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với NLĐ nên dù DN hoạt động hiệu quả nhưng vẫn trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp, chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ. Đó là chưa kể một số NLĐ chưa nhận thức đầy đủ, chưa biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nên đã thoả thuận với chủ DN trốn đóng BHXH, hoặc chỉ đăng ký đóng BHXH mang tính “đối phó”... Chính vì vậy, nhiều NLĐ sau đó phải chịu thiệt thòi vì không được giải quyết các quyền lợi về BHXH như: Trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, không được hưởng lương hưu... khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, BHXH TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành thanh tra, kiểm tra đối với các DN nợ đọng BHXH, BHYT. BHXH các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ... với quyết tâm trong năm 2019 kéo giảm tỉ lệ nợ BHXH xuống còn dưới 2% so với số phải thu; qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.