Hà Nội chặt tỉa cây xanh mùa mưa bão: Phòng là chính

Những năm gần đây, cứ vào mùa mưa bão, tình trạng cây gẫy, đổ lại xảy ra trên đường phố Hà Nội. Không ít vụ gây thiệt hại về người và của, làm ảnh hưởng đến giao thông thành phố. Vì vậy, việc chặt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão thực sự là cần thiết.

 

Lấy phòng là chính


Tại nhiều tuyến phố, ngõ xóm, do nhiều lý do khác nhau, vẫn còn những cây bị sâu mục, cây nghiêng, trong đó có không ít cây có đường kính khá lớn, nhưng chưa được xử lý chặt hạ, là những ẩn họa khôn lường lúc mưa to gió lớn. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận hơn 40 trường hợp cây đổ. Tuy chưa gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng đó cũng là sự báo động, cho thấy cần phải xử lý cây xanh có nguy cơ gẫy đổ.


Anh Nguyễn Đức Mạnh, Phó phòng Kế hoạch- tổng hợp, Công ty công viên cây xanh (CVCX) cho biết: Hiện đơn vị đang quản lý khoảng 45.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên các tuyến phố tại địa bàn 9 quận và 1 huyện của Hà Nội. Từ đầu năm đến nay đã cắt sửa 800 cây, chặt hạ trên 350 cây. Theo kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2012, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát cây trên địa bàn quản lý với tổng số hơn 3.800 cây cắt sửa, trong đó có cắt sửa cây phòng bão, cắt cành khô, sửa cây vướng đèn tín hiệu giao thông, giải tỏa cành gãy. Đồng thời, chặt cây sâu mục, chết khô, cây đổ...


Một cây có dấu hiệu bị sâu mục trên đường Hoàng Hoa Thám.

 

Việc cắt sửa cây tập trung vào cây có đường kính và chiều cao lớn, với phương thức là hạ thấp độ cao với cây có chiều cao lớn, cây nặng tán, cây mọc lệch tán thì cắt tỉa. Đặc biệt là sớm phát hiện cành cây khô vì đây là đối tượng gây nguy hiểm bất ngờ, nhất là khi có mưa gió lớn.


Để xử lý cây khô chết, sâu mục có 2 nguồn cung cấp thông tin. Một là do Công ty CVCX trực tiếp khảo sát, phát hiện. Thứ hai là do nhân dân, đơn vị, chính quyền sở tại thông báo. Công ty sẽ tổng hợp nguồn tin, khảo sát thực tế, chụp ảnh hiện trạng và có xác nhận của UBND phường sở tại rồi chuyển hồ sơ sang Sở Xây dựng. Sau đó, tổ chuyên gia của Sở kiểm tra và có ý kiến chặt hay không chặt, trồng thay thế loại cây gì... Công ty CVCX hoàn thiện hồ sơ nộp tại phòng hành chính một cửa của Sở Xây dựng. Nếu hồ sơ hợp lệ, sau 15 ngày với trường hợp khối lượng cây lớn và 8 ngày với lượng cây nhỏ, kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Xây dựng sẽ ra giấy phép chặt hạ và trồng cây mới thay thế.


Điện thoại báo cây đổ, cây sâu mục (máy trực 24/24): 04.39764540 hoặc 3.8237114

Với cây có dấu hiệu bị xâm hại cố tình làm đổ, chết, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ làm thủ tục theo thẩm quyền. Trong trường hợp không phát hiện thủ phạm, sở mới cấp giấy phép triệt hạ và trồng cây mới. Với cây cực kỳ nguy hiểm, Công ty sẽ phối hợp với chính quyền phường sở tại khảo sát, cắt triệt, sau đó mới báo cáo Sở Xây dựng.


Anh Nguyễn Đức Mạnh cho biết, trên thực tế, việc vi phạm cây xanh có nhiều loại nên việc thẩm tra phải theo đúng trình tự. Hơn nữa, do tác động của biến đổi khí hậu nắng nóng, nhiều người muốn giữ cây nên nhiều trường hợp dân không cho chặt cây, nhất là cây cong nghiêng. Trên thực tế, cây cong nghiêng trên phố cổ, cũ vẫn còn do mọc lệch vì nhà cửa xây san xát, cây có xu hướng mọc lệch ra đường.

 

Đề xuất mua bảo hiểm cho cây xanh


Mặc dù đã thường xuyên kiểm tra, chặt tỉa, nhưng việc cây đổ trong mùa mưa bão khó tránh khỏi, nhất là mưa lâu ngày, kèm theo gió lớn, cây rất dễ bị giật đổ.

Theo các chuyên gia, khi mưa lớn, đất nền yếu, gần đây lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật cây rất dễ đổ. Ngoài ra, hiện tượng cây nghiêng làm tán mất cân bằng cũng tạo áp lực dễ đổ. Và đó là những nguyên nhân thường trực những tác động của cây xanh và đã có thiệt hại. Thực tế những năm trước, hiện tượng cây đè vào xe cộ, nhà đã xảy ra và nhiều người cũng đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm về thiệt hại này?


Anh Mạnh cho biết: Theo quy định hiện nay, chủ sở hữu cây xanh trên địa bàn là UBND TP Hà Nội. Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về hệ thống cây xanh; Ban duy tu quản lý các công trình hạ tầng đô thị lại là đại diện chủ đầu tư để quản lý và giám sát tác động lên hệ thống cây xanh; Công ty CVCX và một số đơn vị được giao quản lý cây xanh theo từng khu vực và địa điểm cụ thể. Cho đến thời điểm này, chưa có một quy định cụ thể nào về trách nhiệm của Công ty CVCX đối với những trường hợp cây đổ, cành gẫy do bất khả kháng và thiên tai đối với người và phương tiện lưu thông trên đường phố.


Hiện nay, những trường hợp bị cây xanh đổ gây thiệt hại vẫn được coi là những trường hợp không may, thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty CVCX, đơn vị đã kiến nghị với thành phố cho phép công ty mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết hỗ trợ những trường hợp mà nguyên nhân do khách quan, thiên tai.


Để chủ động đối phó với cây đổ dịp mưa bão, phương châm vẫn là chủ động phòng chống, hạ tán; sớm phát hiện cây sâu mục để chặt hạ sớm. Công ty CVCX cũng vừa báo cáo với thành phố về phương án tổ chức giải tỏa quy mô 300 cây bị đổ trên các tuyến phố sau một trận bão lớn với mục tiêu hàng đầu: Ưu tiên giải quyết ngay các cây đổ trong tình trạng gây nguy hiểm, đe dọa đến tài sản, tính mạng con người; giải tỏa các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, đảm bảo chậm nhất sau 8 giờ phải thông đường; sau 5 ngày kể từ khi có bão gây đổ cây, phải hoàn thành toàn bộ các khâu: Cắt cành, dọn lá, cắt thân cây, đánh gốc, vệ sinh san lấp để trồng cây thay thế.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN