Hà Nội: 19/22 xã, thị trấn 'vùng xanh' ở Gia Lâm cho phép bán đồ ăn mang về

19/22 xã thuộc vùng xanh của huyện Gia Lâm, các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu được phép mở cửa bán hàng mang về từ 6 giờ ngày 6/9.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng ở 'vùng xanh' Gia Lâm thực hiện bán hàng mang về. 

Ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, các địa phương đã không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian phong tỏa, cách ly theo quy định gồm: Dương Hà, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu, Ninh Hiệp, Yên thường, Yên Viên, thị trấn Yên Viên, Kim Lan, Văn Đức, Kiêu Kỵ, Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Thị, Dương Xá, Thị trấn Trâu Quỳ, Đa Tốn, Lệ Chi và Dương Quang.

Ngay sáng sớm 6/9, nhiều cửa hàng ăn ở các xã, thị trấn kể trên đã mở cửa trở lại, treo biển "bán hàng mang về". Tại một số hàng quán, nhiều người dân đeo khẩu trang, xách cặp lồng đến mua đồ ăn sáng.

Là một người chuyên bán phở bò, gà, bún cá tại thôn Thượng Dương (Dương Hà), chị Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết rất vui khi được mở cửa trở lại vì sẽ giúp gia đình có thêm thu nhập, cho dù chỉ là bán hàng mang về. Sau khi biết tin qua hệ thống truyền thanh, từ chiều 5/9, gia đình chị đã dọn dẹp hàng quán, đặt mua thực phẩm sau hơn 1 tháng đóng cửa. "Dù mặt hàng chưa được phong phú và người mua thưa thớt nhưng việc chính quyền cho phép mở cửa trở lại, cho thấy tín hiệu khả quan về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn. Tôi tin rằng trong ít ngày nữa, dịch sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, khi đó cuộc sống lại như thường nhật", chị Cúc tin tưởng. 

Cho biết về các biện pháp đảm bảo quy định phòng, chống dịch khi chính quyền cho phép mở cửa bán hàng mang về, Chủ tịch xã Dương Hà Nguyễn Ngọc Thịnh thông tin, UBND xã đã ký cam kết với các hộ kinh doanh, chỉ được phép bán hàng mang về; không tổ chức tụ tập đông người tại các khu vực mua, bán. Các hộ kinh doanh phải luôn tuân thủ các quy định, phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. 

Đề cập đến giải pháp toàn diện hơn, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết,  ngày 5/9, huyện đã xây dựng "kịch bản" phòng, chống dịch trên địa bàn bằng Kế hoạch 232. Theo đó, đối với các xã vùng xanh, các cửa hàng thiết yếu được mở cửa bán hàng mang về; song, UBND huyên yêu cầu thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo các cấp độ phù hợp theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15+ đảm bảo phù hợp, nhanh chóng đưa địa phương trở lại “giai đoạn bình thường mới”.

Tại các xã vùng da cam (gồm các khu vực của xã, thị trấn đang có thôn, tổ dân phố bị phong tỏa; các thôn, tổ dân phố, khu vực của xã, thị trấn vừa kết thúc phong tỏa; Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Vinhomes Ocean park; các nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp) áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và một số biện pháp ở mức cao hơn.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phải đảm bảo “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Huyện chỉ cho phép các cơ sở sản xuất hoạt động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch theo quy định và phương án phòng, chống dịch đã được phê duyệt, cương quyết đóng cửa các cơ sở không đáp ứng hoặc vi phạm.

Các khu vực, thôn, tổ dân phố, Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Vinhomes Ocean park trên địa bàn xã, trấn tiếp tục duy trì trực chốt tại các khu vực, thôn, tổ dân phố, đảm bảo trực 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần cho đến khi có thông báo mới. Đối với vùng này, UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Chủ đầu tư phải xây dựng phương án phòng, chống dịch, trình UBND xã, thị trấn phê duyệt. Các công trình xây dựng công cộng vốn ngân sách được phép hoạt động nhưng đảm bảo phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, chủ đầu tư công trình phải xây dựng phương án phòng, chống dịch, trình UBND huyện phê duyệt; trong phương án phải làm rõ: số lượng, danh sách người lao động; nơi ăn ở; phương án cung cấp vật tư, thiết bị... Các cửa hành kinh doanh vật liệu xây dựng được phép hoạt động.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hồng, đặc biệt ở vùng đỏ, huyện Gia Lâm xác định gồm các thôn, xóm, tổ dân phố, khu vực có ổ dịch đang được phong tỏa, cách ly (hiện nay có một phần thôn 3, xã Đông Dư; một phần thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn) tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho 3 phân vùng giãn cách
Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho 3 phân vùng giãn cách

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội theo 3 phân vùng, Thành phố Hà Nội đã huy động tổng lực hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và những tỉnh, thành phố cam kết cung cấp hàng hóa cho Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN