Việc ứng dụng công nghệ 4.0 hiệu quả đã giúp cơ sở sản xuất bánh chưng Tết của anh Phạm Khắc Tưởng một ngày có thể cho ra lò khoảng 2.000 chiếc bánh.
Anh Phạm Khắc Tưởng cho biết, việc tận dụng máy móc trong gói bánh chưng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa giảm thiểu sức lao động, lại giúp cho bánh chưng giữ được hương vị, hình dáng đẹp nhất. Vì vậy, tất cả công đoạn rửa lá, trộn đậu, gói bánh... đều được anh ứng dụng làm bằng máy và công nhân chỉ cần điều khiển thiết bị bằng những nút bấm đơn giản.
Theo anh Phạm Khắc Tưởng, chiếc bánh chưng khi hoàn thành vẫn là bánh chưng truyền thống nhưng cách gói theo công nghệ 4.0 và chiếc bánh chưng này cũng mang đặc trưng của nhiều vùng miền Việt Nam. Cụ thể, gạo nếp làm bánh là loại nếp nương mua từ Điện Biên, lá dong và thịt lợn được mua từ Đồng Nai, đậu xanh được chọn từ Long An và hạt tiêu thì lấy từ Phú Quốc… Đặc biệt, các nguyên liệu đầu vào để làm ra chiếc bánh như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra.
“Trung bình 1 phút dây chuyền gói bánh bằng máy cho ra 1 chiếc bánh nặng 1,5 kg và một ngày với khoảng 10 nhân công có thể cho ra lò khoảng 2.000 cái bánh chưng. Sau khi gói bánh, bánh được đem đi luộc bằng máy khoảng 8-9 tiếng và được vớt ra để ráo nước, rồi đem đi hút chân không nhằm bảo quản bánh được lâu hơn. Năm nay, sản lượng và năng suất gói bánh đều tăng khoảng 4-5 lần so với năm ngoái, dự kiến cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn bánh chưng. Các công nhân đã bắt đầu gói bánh từ ngày 19 âm lịch (31/1) cho đến khi hết đơn hàng đã nhận thì mới nghỉ làm”, anh Phạm Khắc Tưởng cho biết thêm.
Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh độc đáo của việc gói bánh chưng bằng máy:
Anh Phạm Khắc Tưởng sử dụng máy móc để nghiền lá giềng và xay vắt lấy nước trộn với gạo nếp để làm vỏ bánh chưng màu xanh.
Lá dong dùng để gói bánh được nhập từ tỉnh Đồng Nai. Đây là địa phương cung cấp lá dong lớn tại khu vực phía Nam.
Đậu xanh sau khi được ngâm, rửa hoàn toàn tự động được đem ra vắt bằng máy ly tâm để đảm bảo thấm các loại gia vị: muối, tiêu... tốt hơn. Sau đó được đem vào máy xay tự động. Lúc này, người làm bánh chỉ cần cân đậu, đổ thịt và đậu vào khuôn làm nhân, rồi ấn máy là ra nhân của các chiếc bánh chưng.
Thịt lợn làm nhân bánh được cho vào máy xay trộn đều, chiếc máy này còn có chế độ làm mát để giữ cho thịt lợn luôn tươi ngon.
Sau khi có nhân, người làm bánh chỉ cần đổ nếp và bỏ nhân bánh vào khuôn làm bánh đã có sẵn.
Đến công đoạn dùng lạt buộc bánh chưng, anh Tưởng cũng dùng một cánh tay rô bốt để buộc bánh chắc chắn hơn.
Chiếc bánh được buộc bằng rô bốt trông khá chắc chắn và đẹp mắt, đồng thời giúp giảm thiểu quá trình làm thủ công.
Sau khi bánh được gói hoàn chỉnh, anh Tưởng sẽ xếp bánh vào một cái lồng luộc bánh chuyên dụng do chính anh sáng chế ra.
Công đoạn luộc bánh được điều khiển hoàn toàn bằng máy móc. Bánh chưng sẽ được luộc bằng nồi áp suất, với hệ thống thêm nước tự động trong suốt quá trình luộc.
Những chiếc bánh chưng được luộc bằng máy với thời gian khoảng 8-9 tiếng.
Bánh chưng ra ngoài, để bánh khô cho ráo nước sau đó sẽ được hút chân không nhằm bảo quản bánh được lâu hơn.
Bánh chưng khi chín cho màu xanh đặc biệt của tinh chất lá riềng, các góc bánh cũng khá vuông vức, nhân bên trong được dàn đều tạo nên chiếc bánh vừa đẹp hình thức, vừa thơm ngon, hấp dẫn người dùng.
Xưởng của anh Tường chỉ cần khoảng 10 công nhân nhưng một ngày có thể cho ra lò khoảng 2.000 chiếc bánh và thực hiện được đầy đủ công đoạn từ rửa lá, trộn thịt, nấu đậu, làm nhân bánh, gói bánh... mà không tốn nhiều sức của người lao động.