Gỡ “gác chắn” cho đầu tư đường sắt

Ngành đường sắt đang “mở rộng cửa” chào đón các nhà đầu tư rót vốn, xây dựng, khai thác các công trình đường sắt và đã thu hút được nhiều sự quan tâm, nhưng đến nay thực tế triển khai xã hội hóa các dự án lại vấp phải nhiều khó khăn.

Rào cản

Chủ trương “huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” được Bộ GTVT phê duyệt từ đầu năm có 17 dự án được đề xuất kêu gọi xã hội hóa đầu tư, gồm 12 dự án thuộc đường sắt hiện có và 5 dự án xây dựng mới.

Ga Yên Viên là một trong những dự án thu hút vốn xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng chất lượng dịch vụ.



Trong số này, đặc biệt có 10 dự án đã thu hút nhiều nhà đầu tư, sẵn sàng bỏ vốn xây dựng, nếu xác định được phương thức đầu tư và lợi ích mang lại, gồm: Nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát; đầu tư khai thác bãi hàng ga Yên Viên; cải tạo mở rộng ga Xuân Giao A; đầu tư ga Hà Nội; di dời, xây mới ga Đà Nẵng; đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng khu ga Sài Gòn; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới Hà Nội - Hải Phòng; đầu tư xây dựng hầm đường sắt Khe Nét, nhượng quyền khai thác đối với đường sắt hiện có; đầu tư xây dựng đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; nhượng quyền khai thác, kinh doanh các ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), mặc dù nhận được nhiều đề xuất từ các nhà đầu tư, nhưng VNR hiện rất “lúng túng” không biết thực hiện theo phương thức nào để đúng quy định của Nhà nước. Còn các nhà đầu tư thì phản ánh vẫn chưa nhận được quy trình thực hiện đầu tư (theo hình thức hợp tác công tư - PPP).

PPP là mô hình hợp tác công - tư, theo đó Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước. Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Mô hình này mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân, vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích cho người dân.

Đơn cử như: Dự án đầu tư khai thác bãi hàng ga Yên Viên, VNR đề nghị Bộ GTVT đồng ý với hình thức cho thuê. VNR đề xuất lựa chọn nhà đầu tư là Công ty ITL Railway Logistics vì kinh nghiệm trong vận chuyển đa phương thức, có khả năng phát triển vận tải container bằng đường sắt. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang phải “chờ” Bộ GTVT lựa chọn cơ quan tư vấn để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cũng cho biết: Phương án hoàn vốn theo yêu cầu nhà đầu tư hiện còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với các công trình nhỏ lẻ phục vụ vận tải đường sắt. Vì các nhà đầu tư băn khoăn sẽ được hoàn vốn trực tiếp từ công trình hay thu qua giá vận chuyển? Thực tế, Bộ GTVT và VNR vẫn chưa công bố tiêu chuẩn đánh giá hạ tầng các tuyến đường sắt để làm cơ sở chuyển nhượng khai thác cho các nhà đầu tư. Đáng lý, VNR phải đề xuất đầu tư các dự án, vì là doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, kinh doanh đường sắt, nhưng VNR hiện như một đơn vị quản lý Nhà nước (tiếp nhận và giải quyết đề xuất của nhà đầu tư).

Một bất cập nữa theo ông Vũ Quang Khôi là công tác xã hội hóa đầu tư dự án đường sắt đang “bỏ quên” các đường nhánh nối vào các cảng biển. Và nếu “bỏ quên” điều này, các dự án sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối vận chuyển hàng hóa, khai thác dịch vụ với các phương thức vận tải khác sau khi dự án đầu tư hoàn thành...

Phân định rõ các đầu mối quản lý

Đối với việc nhượng quyền khai thác các dự án đường sắt hiện hữu, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất Ban PPP (Bộ GTVT) cho thực hiện cơ chế nhượng quyền thí điểm theo cơ chế: Ban PPP là đầu mối triển khai các công trình di dời đường và ga (như thí điểm di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố), còn Ban quản lý dự án đường sắt là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề xuất hình thức đầu tư đối với các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng tuyến mới như: Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Lộc Ninh...
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định: Nguyên nhân của những bất cập trên là do ngành đường sắt chưa quy định rõ các đầu mối quản lý, sở hữu hạ tầng đường sắt. Vì vậy, tới đây, ngành cần phân loại hạ tầng các lĩnh vực đường sắt để kêu gọi đầu tư và phân định rõ đầu mối quản lý. Bộ GTVT sẽ sớm ban hành văn bản quy định về tổ chức thực hiện, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP, để xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể, làm cơ sở thực hiện cho các nhà đầu tư.

Ở góc độ nhà đầu tư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả chia sẻ: Các dự án đường sắt có vốn đầu tư lớn hơn nhiều dự án đường bộ, lại thu hồi vốn rất chậm, kéo dài trong nhiều năm. Do đó, để thu hút được các nhà đầu tư cần có sự tham gia và hỗ trợ từ phía Nhà nước. Mô hình phù hợp và khả dĩ nhất với các dự án đường sắt là triển khai theo hình thức PPP có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân. Nhà nước có thể bỏ tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng, còn các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng nhà ga, mua sắm trang thiết bị khai thác và những phần phụ trợ...
Tiến Hiếu
 Tăng cường năng lực hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đô thị
Tăng cường năng lực hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đô thị

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) và Công ty Cisco Systems (Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận triển khai thực hiện hợp đồng nghiên cứu khả thi cho giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển trung tâm cho các tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN