Giúp người nhiễm HIV tiếp cận bảo hiểm y tế

Trong bối cảnh từ năm 2017, các nguồn lực quốc tế hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam sẽ bị cắt giảm, thì việc giúp người có HIV tiếp cận bảo hiểm y tế là vô cùng cần thiết.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cả nước có gần 230.000 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống. 10 tháng đầu năm 2016, cả nước phát hiện thêm 8.059 người nhiễm HIV. Dịch HIV/AIDS vẫn ở mức đáng báo động.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Trong khi đó, chương trình can thiệp giảm hại bị hạn chế do nguồn viện trợ bị cắt giảm mạnh, bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục giảm. Điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) mới đáp ứng được 49% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, việc nguồn tài trợ sẽ kết thúc vào năm 2017 đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang hệ thống điều trị thanh toán qua bảo hiểm y tế (BHYT). Nhưng tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT hiện rất thấp.

40% người “có H” tham gia bảo hiểm y tế

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân chỉ đạt khoảng 40%, chỉ bằng 1/2 so với mức 79% (tỷ lệ người dân nói chung của cả nước) có thẻ BHYT. Các nguyên nhân chính là: Người nhiễm HIV đa số có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có tiền mua BHYT; nhiều người sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT; họ lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia BHYT...

Một nguyên nhân khác là thời gian qua do người nhiễm HIV được điều trị ARV miễn phí nên chưa thấy sự cần thiết của BHYT. Thêm vào đó, để ký kết hợp đồng với BHYT để chi trả qua Quỹ Bảo hiểm Y tế, các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS phải được kiện toàn. Song việc này ở các địa phương chậm, đến tháng 6/2016, vẫn còn 64% cơ sở đang kiện toàn, làm ảnh hưởng đến mục tiêu 100% cơ sở điều trị có thể thanh toán điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân qua BHYT từ tháng 1/2017.

Từ năm 2017, nhiều khoản viện trợ cho các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam bị cắt giảm, với lộ trình đến năm 2018 sẽ cắt giảm hoàn toàn các khoản viện trợ. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có 100 tỷ đồng cho ARV, và chỉ cấp thuốc ARV cho các đối tượng ưu tiên theo luật. Trong khi đó, chi phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS lại rất lớn và thời gian kéo dài.

Hướng tới 100% bệnh nhân HIV/AIDS được miễn phí ARV


Thủ tướng Chính phủ đã ban  hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016, quy định việc thanh toán thuốc kháng vi rút được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV từ quỹ BHYT. Đây là quyết định kịp thời nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành đối với Trung ương và sở, ngành ở địa phương cũng như quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.

Đấu thầu tập trung và thanh toán tập trung là một cách đổi mới ưu việt của Quyết định 2188. Việc này nhằm thay đổi phương thức cấp tiền, phương thức thanh toán tập trung sẽ đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu tốt đa các thủ tục hành chính nhưng hạn chế việc thay đổi mạng lưới phân phối.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng đã chỉ đạo phải tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV/AIDS được mua thẻ BHYT. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh/thành phải triển khai ngay chỉ đạo này của Thủ tướng.

Để tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh, ngành BHYT sẽ cho phép các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mua BHYT theo hộ cá nhân, không mua theo hộ gia đình. Đồng thời, hình thức và quyền lợi thẻ BHYT của người bệnh cũng không có sự khác biệt so với những thẻ BHYT khác.

Đặc biệt, các đối tượng đang thụ án trong trại giam, trại giáo dưỡng … sẽ được mua BHYT theo cá nhân để có điều kiện y tế tốt trong quá trình điều trị bệnh HIV/AIDS.
Trước tỷ lệ kết nối giữa ngành BHYT và các cơ sở điều trị HIV/AIDS quá thấp, Thứ trưởng yêu cầu ngành y tế các địa phương đến hết quý I/2017 phải ký hợp đồng với BHYT, để bảo đảm tính pháp lý trong vấn đề thanh toán và tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị  theo BHYT .

Kế hoạch quản lý người bệnh tại địa phương sẽ được gửi về cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS trước 31/12/2016 để đơn vị thực hiện mua thuốc điều trị cho bệnh nhân. Hướng tới nâng tỷ lệ bệnh nhân điều trị HIV/AIDS có BHYT đạt khoảng 80% trước tháng 6/2017.

Đối với vấn đề đồng chi trả, trên nguyên tắc bệnh nhân tự chi trả chi phí cho điều trị, riêng đối với thuốc ARV sẽ trích miễn phí từ các nguồn quỹ của địa phương. Do đó, tiến tới 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ được cung ứng thuốc ARV miễn phí. Theo Thứ trưởng, ARV không chỉ điều trị cứu sống bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn mang tính chất phòng dịch HIV/AIDS cho cộng đồng.

T. H
Một nửa số bệnh nhân không biết mình nhiễm HIV
Một nửa số bệnh nhân không biết mình nhiễm HIV

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo rằng gần một nửa số người đang mang virus HIV trên toàn thế giới không biết mình đang nhiễm virus này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN