Giữ những lá phổi xanh cho Hà Nội

Hà Nội lẽ ra phải là thành phố xanh, với hơn 100 ao, hồ lớn nhỏ, thế nhưng giờ đây dân Hà Nội lại luôn “ngoi ngóp” như cá trên cạn, cũng bởi hệ thống hồ đa phần bị “biến dạng”, hoặc bị ô nhiễm hoặc bị thu hẹp do dân lấn chiếm. Để bảo vệ những “lá phổi xanh” của thành phố, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và ý thức của người dân…


Ô nhiễm và lấn chiếm


Người dân phường Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) nhiều năm nay tuyệt vọng chứng kiến cảnh hồ Linh Quang dần “biến mất”. Hiện tại, toàn bộ khu bờ hồ đã bị quây kín bằng những tấm tôn cao quá đầu người, bên trong làm chỗ trông và sửa xe, bên ngoài là khu tập kết xe để rác và chợ đông đúc. Để đi ra đến hồ, chỉ có một đường duy nhất là vào bằng đường của khu vực trông xe, bởi tất cả khu vực còn lại là khu dân cư san sát.

 

Hồ Hữu Tiệp đầy rong rêu và rác thải.Ảnh: L.P

 


Chị Lê Mai (ngõ Văn Chương, Đống Đa) không giấu nổi bức xúc: “Chúng tôi muốn ra hồ không có đường mà ra. Ngày xưa khu này thoáng rộng bao nhiêu thì giờ hôi thối và chật chội bấy nhiêu. Hồ trông không khác gì cái ao, bèo, rong rêu nổi lềnh phềnh trên bề mặt, nước hồ đen ngòm, bốc mùi”.

Theo kết quả đánh giá, hầu hết các hồ tại Hà Nội đều đang ô nhiễm. Kể cả những hồ đã tách hệ thống nước thải ra khỏi hồ như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm cũng không tránh khỏi, vì đa phần các hồ không được bổ cập nước sạch. Nhiều hồ sau khi cải tạo cũng nhanh chóng quay trở lại tình trạng ô nhiễm như ban đầu, bởi hệ thống nước thải thường xuyên đổ về hồ và ý thức của người dân ở nhiều nơi còn kém, còn có tình trạng người dân vứt rác, đổ phế thải ra ven hồ.


Bà Đào Thị Anh Điệp, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội


Nằm trong làng Ngọc Hà (quận Ba Đình), hồ Hữu Tiệp - một di tích lịch sử quốc gia, cũng không thoát khỏi tình trạng ô nhiễm. Dấu tích oai hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 của Hà Nội xưa là xác máy bay B52 giờ đây nằm giữa rong rêu, rác rưởi và nước hồ đen ngòm. Hàng sáng, chợ cóc họp ngay bên bờ hồ, đến khi tan chợ, bờ hồ thành bãi tập kết rác. Bên phải hồ là nơi tập kết vật liệu xây dựng của một vài hộ dân. Chị Lan Phương, người dân tại làng Ngọc Hà, cho biết: “Trước đây, khi hồ chưa bị ô nhiễm, chiều chiều người dân vẫn thường ra đây hóng gió và tự hào ngắm nghía chiến tích máy bay, nhưng giờ không mấy ai ra đây nữa”.


Ngay đối diện hồ Hữu Tiệp là hồ Dài cũng chung số phận, nước hồ đen ngòm, ngày nắng bốc mùi, ngày mưa nước cống dềnh lên đen kịt một màu. Theo anh Tạ Ngọc Sơn, Phó trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội), đây là một trong những hồ đã được chi cục xử lý bằng chế phẩm, tuy nhiên, hàng ngày hồ liên tục phải tiếp nhận nước thải từ hơn 50 hộ dân khu vực xung quanh và có cống thông với hồ Hữu Tiệp (chưa được xử lý), nên sau khi cải tạo, nước hồ chỉ duy trì được ít ngày rồi lại ô nhiễm như cũ.


Dạo qua một vòng các hồ Hà Nội có thể thấy những hình ảnh trên là tình trạng chung của hồ tại Hà Nội hiện nay. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR) trong 120 ao, hồ, đầm, thủy vực lớn nhỏ của 6 quận trung tâm nội thành Hà Nội thì có tới 71% hồ đang bị ô nhiễm hữu cơ.


Trách nhiệm của cộng đồng


Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang thực hiện thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại các hồ bằng những công nghệ khác nhau, áp dụng thí điểm cho 12 hồ tại Hà Nội. Một số phương pháp như tổ sinh học kết hợp kết tủa, chế phẩm sinh học, công nghệ vi sinh… đã đem lại kết quả khả quan.


Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, việc xử lý ô nhiễm hồ cần cả hai biện pháp: Kết hợp giữa công nghệ xử lý phù hợp với việc hình thành lợi ích cộng đồng xung quanh hồ để cộng đồng cùng tham gia hoạt động xây dựng ý thức và bảo vệ môi trường hồ nước.


Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với một số đơn vị thí điểm mô hình lắp đặt các máy tập thể dục kết hợp lọc nước tại bờ hồ Ngọc Khánh và hồ Thanh Nhàn, nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.


Theo ghi nhận của phóng viên tại hồ Ngọc Khánh, ngay từ tờ mờ sáng, đã rất đông người xếp hàng, thay phiên nhau tập thể dục bằng hai chiếc máy lọc nước được lắp đặt ở bờ hồ. Nhờ chuyển động của người tập mà nước hồ được hút lên theo hệ thống ống, đổ vào bể lọc trồng thủy trúc và các vật liệu có khả năng hấp thu chất hữu cơ, gây ô nhiễm nguồn nước rồi thanh lọc. Nước sau khi được lọc sẽ lắng cặn và chảy theo hệ thống ống khác xuống hồ, giúp thanh lọc nước hồ, giảm thiểu ô nhiễm. Chị Nguyễn Thu Hương (phố Nguyễn Công Hoan) cho biết, từ khi có máy vừa tập thể dục vừa có tác dụng lọc nước hồ này, chị tập rất thường xuyên, sáng nào cũng dậy sớm đạp khoảng vài trăm vòng rồi đi bộ quanh hồ. Nhờ tập thể dục bằng chiếc máy này, chị đã giảm hẳn chứng đau đầu gối dai dẳng bấy lâu nay.


Anh Tạ Ngọc Sơn, Phó trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, dự án này được tài trợ bởi Quỹ bảo vệ môi trường hỗ trợ với 4 máy lắp đặt tại 2 hồ là Thanh Nhàn và Ngọc Khánh. Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân, tới đây, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ lắp đặt thêm máy tại 3 - 4 hồ khác.


Bà Đào Thị Anh Điệp, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khẳng định: “Việc nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ hồ là điều rất cần thiết, bởi khi ý thức người dân tốt, sẽ không còn tình trạng lấn chiếm, đổ rác, phế thải… ra hồ và bảo vệ vật dụng như những máy tập, bè thủy sinh... Bởi thực tế, đã có tình trạng những chiếc máy tập lắp đặt tại hồ bị cưa để lấy sắt vụn, chúng tôi phải lắp đặt và sửa lại vài lần để đảm bảo máy chạy tốt”.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CERC):

Ý thức cộng đồng là yếu tố quan trọng

Sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ hồ Hà Nội nói riêng là rất cần thiết. Chỉ cần mỗi người ý thức một chút thì việc bảo vệ hồ Hà Nội sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. CERC đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho những người dân xung quanh hồ, giúp nâng cao năng lực cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội, góp phần bảo vệ hồ Hà Nội.

Bà Nguyễn Lê (Ba Đình, Hà Nội):

Hồ Hà Nội “ngót” đi nhiều

Nhiều khu vực trước kia là ao, hồ, đầm lầy nay đã hoàn toàn biến mất. Trước đây, toàn bộ khu chùa Bộc cho đến Thái Hà, kể cả một số khu nhà Kim Liên là những ao, hồ, đầm lớn nhỏ, nhưng nay đều đã trở thành khu chung cư, nhà tập thể. Khu Giảng Võ xưa kia cũng rất nhiều ao, đầm nhưng bây giờ cũng chỉ còn lại duy nhất hồ Giảng Võ. Hồ Hà Nội bây giờ “ngót” đi nhiều, cũng không được như trước, đâu cũng thấy ô nhiễm và rác khiến Hà Nội mất đi nhiều vẻ đẹp xưa kia.

 Ông Đỗ Lại Phong, đường Đê La Thành (Hà Nội):

Nên lắp thêm máy tập thể dục

Tôi hay đi bộ quanh hồ và cũng thường xuyên tập ở máy tập hồ Ngọc Khánh. Tập như thế này thực sự rất hữu ích vì vừa giúp vận động toàn thân vừa làm sạch nước hồ. Tuy nhiên theo tôi với hồ Ngọc Khánh phải lắp đặt khoảng 7 - 8 máy như vậy mới đủ lọc nước hồ sạch hơn, hai cái chưa thấm vào đâu cả. Đồng thời, tôi mong cơ quan chức năng xem xét bảo trì máy tập do lâu ngày máy không được tra dầu mỡ nên có phần nặng, khó tập.


Thu Trang - Hà Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN