Công tác bảo vệ rừng ở đây đã được chính quyền và người dân hết sức chú trọng, nhiều khu vực rừng được trồng mới, tái sinh. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 47%.
Bản Nà Mạt, xã Mường Giôn được biết đến là “điểm sáng” về công tác bảo vệ rừng ở huyện Quỳnh Nhai. Nhờ sự tuyên truyền sâu, rộng của các lực lượng chức năng, cánh rừng của bản luôn được quản lý, bảo vệ phát triển tốt. Bởi ngoài lợi ích to lớn về môi trường sống, rừng còn mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân nơi đây từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Bà Mè Thị Lả, bản Nà Mạt chia sẻ, cán bộ kiểm lâm thường xuyên xuống tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng cho bà con trong bản. Nhờ đó, bà con nhận thức được phải giữ rừng, vì có rừng sẽ giúp hạn chế xói mòn đất đai, bảo vệ nguồn nước, tạo môi trường trong lành. Vì vậy, bản không còn tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương. Nếu phát hiện trường hợp nào nào phá rừng, bà con sẽ báo kịp thời cho lực lượng Kiểm lâm để xử lý.
Bản Nà Mạt hiện được giao quản lý, bảo vệ hơn 600 ha rừng tự nhiên và gần 60 ha rừng trồng. Hiện nay, đã có 138 ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Với số tiền được chi trả, bản Nà Mạt đã xây dựng kế hoạch trích 40% để bảo vệ, phát triển rừng, phần còn lại sử dụng để cải thiện đời sống, xây dựng công trình phúc lợi cho bà con.
Ông Lò Văn Thanh, Trưởng bản Nà Mạt cho biết, sau khi được cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, người dân trong bản đã nắm được các quy định của việc bảo vệ rừng. Hàng năm, bản đã phân công tổ bảo vệ rừng thường xuyên đi tuần tra, phát đường băng cản lửa. Khi phát hiện có hành vi lấn chiếm, đốt phá rừng, những người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy ước của bản. Nếu phá rừng với quy mô lớn, bản sẽ báo cáo lực lượng kiểm lâm huyện và chính quyền xã để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, huyện Quỳnh Nhai còn làm tốt công tác phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hàng nghìn ha đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng rừng. Tuy nhiên, thời gian qua, tại huyện Quỳnh Nhai, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2021, Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 31 vụ, trong đó, có hơn 7.300m2 rừng phòng hộ bị thiệt hại. Tổng số tiền bán tang vật, lâm sản và xử phạt hành chính gần 220 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh An, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, nguyên nhân của tình trạng này là do trách nhiệm của một số chủ rừng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế. Ngoài ra, do địa bàn rộng, 8/11 xã nằm trong lòng hồ thủy điện Sơn La nên việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp còn khó khăn. Lực lượng kiểm lâm đã đẩy mạnh công tuyên truyền sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phát triển rừng của huyện khi thành lập phải có đủ các ban ngành và phân công thành viên phụ trách các xã để nâng cao ý thức cho cán bộ, người dân. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm tăng cường phối hợp với lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên tổ chức truy quét các tụ điểm khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn.
Để giữ màu xanh của những cánh rừng, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích rừng. Huyện chú trọng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; giao diện tích rừng cho hộ dân quản lý. Đồng thời, huyện giao chỉ tiêu và chỉ đạo các bản đưa nội dung vào khoanh nuôi, bảo vệ, phát dọn thực bì vào quy ước của bản, góp phần đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Cầm Văn Huy, hàng năm, huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; tổ chức phát tờ rơi, áp phích, tranh tuyên truyền có nội dung về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Từ đó, nâng cao hiểu biết, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, người dân đã hiểu được “trách nhiệm bảo vệ rừng là của toàn dân” theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án trồng rừng, gắn với Đề án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững hàng năm. Cùng với đó, huyện thực hiện trồng cây dược liệu dưới tán rừng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.