“Thời điểm vàng” cho sự gắn kết
Trước kia, gia đình chị Huỳnh Phương My (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) ít có thời gian gần gũi, chia sẻ với nhau. Công việc của chị khá bận, chồng lại thường xuyên công tác xa nhà nên vợ chồng ít có điều kiện tâm sự, còn với các con cũng không dành hết quỹ thời gian để quan tâm.
Tuy nhiên, trong đợt giãn cách tháng 6/2021, các thành viên trong gia đình chị có thêm nhiều thời gian dành cho nhau. Những bữa cơm gia đình vừa ăn vừa theo dõi thời sự, xem tin tức diễn biến của dịch bệnh, những lúc kèm con học online hay việc cả nhà nhắc nhở nhau hạn chế ra đường, đeo khẩu trang phòng bệnh... mọi người cùng trò chuyện, quan tâm đầy yêu thương. Đây cũng chính là thời gian vợ chồng chị và các con có dịp bên nhau, trò chuyện, quan tâm và thấu hiểu hơn.
"Những nguy hiểm của dịch bệnh bên ngoài khiến chúng tôi càng cảm thấy cần gắn kết, bao bọc, yêu thương nhau nhiều hơn. Dù chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng khiến mọi người yên tâm và hạnh phúc”, chị Huỳnh Phương My nói.
Tương tự, anh Lê Minh Khánh (ngụ Quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường, chính quyền cấm tụ tập đông người, đóng cửa tạm thời các dịch vụ, cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu. Những quán nhậu đóng cửa nên anh bỏ được thói quen la cà sau mỗi giờ tan sở.
“Sau giờ làm việc tôi về thẳng nhà, căn nhà nhỏ bỗng trở nên ấm cúng, rộn ràng khi cả gia đình cùng hỗ trợ nhau mọi việc. Tôi dần nhận thấy bữa cơm gia đình giá trị, ý nghĩa hơn, sức khoẻ được cải thiện đáng kể, có thêm thời gian quan tâm chăm sóc cho con cái, cha mẹ, gia đình hạnh phúc hơn”, anh Lê Minh Khánh tâm sự.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Như Ngọc và anh Trương Thái Hưng (ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) xem khu vườn trước nhà là một niềm vui mang giá trị tinh thần trong những ngày thành phố giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19. Khu vườn rộng gần 20 m2 với nhiều loại hoa, rau quả như hoa lan, hoa hồng, sen đá, cẩm tú cầu, cà tím…
Theo anh Hưng, khu vườn được xây dựng từ đầu năm 2021 nhưng mãi đến giữa năm hoa, rau quả mới bắt đầu bung nở và cho ra trái. Trước đây, khu vực này chỉ trồng rau, sau đó anh quyết định cải tạo lại thành không gian để cho tất cả thành viên gia đình quây quần vào mỗi buổi chiều, nạp năng lượng xanh sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Em Nguyễn Lê Ngọc Thảo (13 tuổi, ngụ tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc học bị gián đoạn nhưng bù lại em có nhiều thời gian vui vẻ ở bên cạnh gia đình. Mỗi khi học trực tuyến gặp vấn đề khó, em có thể nhờ bố mẹ hướng dẫn, hỗ trợ. Thời gian còn lại, em cùng bố mẹ làm việc nhà, sau đó cùng em gái sáng tạo ra nhiều món đồ tái chế, thủ công.
Những câu chuyện đến từ các gia đình khác nhau này cũng là những ví dụ nổi bật về sự gắn kết của các gia đình tại TP Hồ Chí Minh trong mùa dịch COVID-19 hiện nay.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, nhằm thích ứng với tình hình dịch COVID-19, làm việc ở nhà có thể khiến cho mọi người cảm giác bận hơn so với làm việc tại cơ quan bởi vừa phải tập trung vào công việc, vừa lo hướng dẫn con học hành, làm công việc nhà... Tuy nhiên, chính khoảng thời gian đó cũng đã giúp cho các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau nhiều hơn, con cái hiểu thêm về công việc của bố mẹ; cha mẹ quan tâm, gần gũi con hơn; vợ chồng đặt mình vào vị trí của nhau và thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn, mỗi người dường như có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình.
Nâng cao giá trị văn hoá truyền thống
Bên cạnh những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra trong xã hội, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về giá trị gia đình, làm ấm thêm mái ấm và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái, những việc mà ngày thường bận rộn họ ít khi có đủ thời gian làm được. Cùng với đó, những giá trị văn hóa truyền thống gia đình vốn ít nhiều bị khuất lấp bởi nhịp sống hối hả trước đây cũng được khơi dậy.
Theo chuyên gia tâm lý, Thạc sỹ Giáo dục học Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn Kỹ năng - Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH), sau mỗi đợt giãn cách xã hội, đứng trước những hiểm nguy về dịch bệnh, mỗi người thêm thấm thía giá trị của tình cảm gia đình và dần tự điều chỉnh các hành vi, để dành thêm thời gian bên nhau, xây dựng không khí gia đình gắn bó, yêu thương.
Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển từ những chuẩn mực giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử. Từ văn hóa ứng xử gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị truyền thống của người Việt Nam như sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự tôn trọng, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ... Chính vì thế, thời gian gần nhau để các thành viên trong gia đình truyền tải, bảo ban những giá trị văn hoá mang tính truyền thống lại càng trở nên quan trọng.
Tương tự, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hạ - chuyên viên tư vấn tại Trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lý MindCare TP Hồ Chí Minh cho rằng, dịch bệnh cũng là cơ hội để mỗi người xem xét, nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp phần để xây dựng một xã hội văn minh, tràn đầy những giá trị tốt đẹp, nhân văn.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh Đỗ Thị Chánh cho rằng, để gia đình trở thành bến đỗ bình yên hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hoá truyền thống của mỗi gia đình và của xã hội, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Năm 2021, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 lấy chủ đề là “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” thông qua các thông điệp như: Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc… nhằm nhắc nhở tất cả mọi người hãy quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.
Đây cũng chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, mái ấm và giữ gìn nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, trân trọng, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.