Gian nan bảo vệ người tiêu dùng

Lạng Sơn luôn phải đối mặt với tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tràn qua biên giới. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tại Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Bùi Gia Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, đã chia sẻ điều này với phóng viên TTXVN.

 

Sau 1 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) có hiệu lực, hiệu quả thực hiện luật ở Lạng Sơn ra sao, thưa ông?


Về cơ bản, Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn đã ban hành kịp thời, các nội dung tương đối dễ hiểu. Chính quyền địa phương đã quan tâm đến công tác bảo vệ QLNTD. Ngay từ trước khi luật ban hành và có hiệu lực, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh BVQLNTD, cân đối kinh phí cho hoạt động của tổ chức, xã hội BVQLNTD là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh thông qua Sở Công Thương.

 

Lực lượng quản lý thị trường thành phố Lạng Sơn phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ Đông Kinh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Các ngành chức năng và các lực lượng chức năng của tỉnh cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến luật này. Công tác tuyên truyền về luật thông qua các chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình địa phương, các hội thảo với nhiều hình thức phong phú dễ hiểu đã từng bước làm cho người tiêu dùng hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong việc sử dụng hàng hóa dịch vụ, biết được những việc cần làm để quyền lợi hợp pháp của mình được bảo vệ.


´Vậy đã có những khó khăn gì khi triển khai thực hiện luật này ở Lạng Sơn?


Mặc dù luật đã có hiệu lực được 1 năm nhưng đến nay số người hiểu về Luật BVQLNTD chưa nhiều. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ chưa đề ra các mục tiêu cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng cũng như thực hiện luật. Quyết định 02/2012/QĐ-TTg có hiệu lực và đã hết thời hạn đăng ký hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký theo quy định. Với 9 loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung thì ở Lạng Sơn có 7 loại hàng hóa dịch vụ, nhưng đến nay mới có một doanh nghiệp đăng ký. Luật BVQLNTD liên quan đến nhiều luật khác như Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ... và có nhiều lĩnh vực hết sức trừu tượng, trong khi các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đồng bộ, thiếu chế tài xử lý nên bước đầu gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng có liên quan khi thực thi công vụ.


Luật cũng đặt ra mục tiêu là tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng. Tôi cho rằng đây là mục tiêu tốt, huy động được nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của xã hội trong công tác này. Song nếu hiểu và triển khai không tốt sẽ rất khó thực hiện vì một số địa phương cho rằng công việc này dựa vào xã hội hóa nên không cân đối ngân sách cho công tác này. Ngoài ra, việc xã hội hóa nguồn lực tài chính rất khó vì muốn có nguồn lực thì chủ yếu dựa vào doanh nghiệp còn người tiêu dùng gần như không thể huy động được. Còn nếu dựa vào doanh nghiệp thì rất khó cho cơ quan chức năng xử lý vi phạm.


Bên cạnh đó, nguồn lực của các địa phương cho công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Lạng Sơn còn thiếu và yếu. Chức năng quản lý về bảo vệ người tiêu dùng ở tỉnh được giao cho Sở Công Thương nhưng không có bộ máy chuyên trách thực hiện công việc này, công tác này chỉ được giao cho một chuyên viên của phòng quản lý thương mại kiêm nhiệm nên không đủ điều kiện để nghiên cứu sâu và tham mưu cho Sở. Ở tuyến huyện lại càng khó khăn hơn vì ở tuyến này chỉ có một cán bộ theo dõi về thương mại và công nghiệp, trong đó nhiều người không có chuyên môn nên rất bỡ ngỡ về hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.


´Vậy ông có kiến nghị gì để triển khai có hiệu quả Luật BVQLNTD trong thời gian tới?


Hội Bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức hội mà đối tượng là tất cả người tiêu dùng chứ không phải là hội viên như các hội khác. Với đối tượng bảo vệ rộng lớn ở mức độ toàn xã hội như vậy nhưng vẫn chưa có một cơ chế cụ thể về tổ chức và kinh phí hoạt động. Mỗi địa phương áp dụng một cách khác nhau; chính sách cho bộ máy của hội cũng không thống nhất như một số hội được công nhận là hội đặc thù. Do vậy, việc công nhận hội bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức hội có tính chất đặc thù được giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí là rất cần thiết.

 

Ngoài ra, bảo vệ người tiêu dùng ở các mặt hàng thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm rất quan trọng nhưng thực hiện lại rất khó. Đặc thù của mặt hàng này là chi phí cho mỗi lần tiêu dùng không nhiều nhưng lại được sử dụng thường xuyên, hằng ngày cho tất cả mọi người. Nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn rất lớn và rất khó quản lý. Đại bộ phận giới kinh doanh là các hộ kinh doanh nhỏ, không thường xuyên, không đăng ký kinh doanh. Vì vậy, cần có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng ở nhóm hàng này. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm thuộc nhóm hàng này rất khó vì muốn xác định vi phạm thì phải được kiểm nghiệm mà chi phí kiểm nghiệm lớn, thời gian lâu, khó đưa ra hình thức xử lý kịp thời, chính xác. Nếu thông tin không đúng sẽ gây thiệt hại khôn lường cho người sản xuất; doanh nghiệp, làng nghề, có khi lâm vào tình trạng khốn khó, nguy cơ phá sản hoặc mất hẳn thương hiệu do thông tin sai lệch.


Xin cảm ơn ông!


Đỗ Thảo Nguyên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN