Giám sát nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy

Ngày 4/1, tại Hòa Bình, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức kỳ họp lần thứ 8, đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ thứ ba (2015-2016) và đề xuất kế hoạch hoạt động hai năm 2017- 2018.

Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có diện tích 7.665 km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng, thuộc địa phận các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và thành phố Hà Nội.

Theo số liệu thống kê đến tháng 12/2015, tổng dân số các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực sông xấp xỉ 12 triệu người, mật độ dân số trung bình khoảng 1.160 người/km2. Những năm qua, hàng ngàn nguồn thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, sinh hoạt thải vào sông Nhuệ - sông Đáy hầu hết không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả thải trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Giai đoạn 2015 - 2016, Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy đã tổ chức hai đoàn công tác kiểm tra tình hình bảo vệ môi trường tại 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực; tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải y tế trên lưu vực.

Các tỉnh đã triển khai hàng trăm dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực như: Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và thành phố Hà Nội; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho Bệnh viện tại các tỉnh, thành phố…Việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách có tính liên vùng, liên tỉnh đã chuyển biến tích cực.

Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tổ chức hội nghị lần thứ bảy. Ảnh: Nhan Sinh - TTXVN

Hội nghị đã chỉ rõ những khó khăn, hạn chế như tình hình vi phạm pháp luật vệ bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Đáy - sông Nhuệ còn xảy ra ở nhiều nơi, mức độ ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương còn hạn chế, chưa bao quát hết. Kinh phí cho sự nghiệp môi trường tại các địa phương đều thấp. Một số công trình được đầu tư xây dựng nhưng vận hành không hiệu quả do còn lúng túng trong việc tiếp cận công nghệ, kinh phí để vận hành.

Triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đáy - sông Nhuệ giai đoạn 2017 - 2018, UBND các tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ các nguồn thải gây ô nhiễm sông, xác định các điểm nóng ô nhiễm môi trường bức xúc ở từng địa phương. Các tỉnh đề xuất các dự án về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; thu gom và xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên xả ra lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ sẽ điều tra, thống kê giám sát các nguồn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải và cơ chế chia sẻ thông tin nguồn thải. Bộ tiếp tục nghiên cứu về việc ban hành cơ chế, chính sách về sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông liên tỉnh; tiến tới xem xét việc phân bổ hạn ngạch xả nước thải.

Nhiệm kỳ 2017- 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Nhan Sinh
Nước sông Nhuệ, sông Đáy chỉ đạt mức trung bình và kém
Nước sông Nhuệ, sông Đáy chỉ đạt mức trung bình và kém

Ngày 30/11,Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến cho kết quả phân vùng theo mục đích sử dụng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy do tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN