Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đã xử lý được 59 điểm ùn tắc giao thông, nhưng lại phát sinh thêm 48 điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân chủ yếu do việc thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn nên phải rào đường, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cũng tăng lên... Hiện nay, số điểm thường xuyên ùn tắc trên địa bàn là 34 điểm; trong đó có 10 điểm phát sinh mới.
Những điểm nóng ùn tắc
Sau những ngày "giãn cách xã hội", giao thông Thủ đô "đường thông, hè thoáng", những ngày này, người dân lại đổ ra đường mưu sinh khiến “nhịp điệu” ùn tắc quay trở lại trên nhiều tuyến đường khiến không khí càng trở nên ngột ngạt, khó thở.
Trục đường Xuân Thủy thuộc quận Cầu Giấy là một trong những điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn lâu nay, nhất là khu vực từ ngõ 130 Xuân Thủy kéo dài đến ngã tư cầu vượt. Nguyên nhân gây ùn tắc là do khu vực này tập trung nhiều trường học, khu đô thị khiến phương tiện đổ ra đường rất đông vào giờ cao điểm trong khi diện tích mặt đường còn nhiều hạn chế.
Theo một chiến sỹ Cảnh sát giao thông thuộc đội 6 - Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố, phụ trách phân luồng tại khu vực Xuân Thủy - Cầu Giấy, ùn tắc xảy ra nhiều nhất từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút sáng và từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 phút chiều tối. Để giảm thiếu tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực này, Phòng Cảnh sát Giao thông đã cố gắng tìm phương án tối ưu và hợp lý nhất, bên cạnh đó, các đội Cảnh sát Giao thông thường xuyên tập huấn về điều tiết giao thông tại các điểm nóng trên địa bàn thành phố cho cán bộ, chiến sỹ.
Ùn tắc giao thông không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia giao thông mà còn tác động đến những hộ dân cư sinh sống và người kinh doanh trên tuyến đường này.
Làm nghề bán cốm tại khu vực đường Xuân Thủy, chị Lê Thị Hòa, 36 tuổi chia sẻ, khu vực này tắc đường, ngột ngạt, rất khó chịu. Bây giờ mật độ xe ô tô quá dày, có lúc ô tô đi chiếm gần hết làn đường nên xe máy phải đi lên vỉa hè, người đi bộ cũng bị ảnh hưởng, hộ kinh doanh mặt đường cũng vắng khách. “Rất bất cập nhưng ở Hà Nội thì phải chấp nhận thôi”, chị Hòa nói.
Tại khu vực đường Láng, tình trạng ùn tắc cũng diễn ra thường xuyên. Tuy đã mở rộng mặt đường nhưng do số lượng phương tiện tham gia đông và đa dạng nên tình trạng ùn tắc cũng chưa thể giải quyết được.
Song song với trục đường Láng là khu vực đường Nguyễn Khang. Chia sẻ với phóng viên về vấn đề ùn tắc tại tuyến đường này, ông Hùng, một cư dân sinh sống tại đây cho biết, lưu lượng phương tiện qua đây đông nên vào khung giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc cục bộ tại mấy cầu bắc qua sông Tô Lịch nối hai tuyến đường.
Tại khu vực đường Phạm Hùng, nhất là tại ngã tư Bến xe Mỹ Đình, ùn tắc cũng xảy ra thường xuyên. Ngoài những phương tiện cá nhân, xe buýt, xe khách lưu thông qua đây chiếm số lượng lớn nên cũng gây ra nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển của người dân.
Khu vực ngã tư đường Khuất Duy Tiến giao với đường Lê Văn Lương là một trong nhiều điểm có mật độ phương tiện giao thông lớn. Vì vậy vào những giờ cao điểm trong ngày (từ 16 giờ 30 phút - 18 giờ 30 phút) tại giao lộ này cũng không tránh khỏi tình trạng ùn tắc giao thông. Theo một chiến sỹ Cảnh sát giao thông thuộc đội 7 - Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố đang phân luồng giao thông tại khu vực này thì mật độ phương tiện ở đây quá cao, ngoài ùn tắc thì đôi khi vẫn xảy ra tình trạng người dân vi phạm quy định như vượt đèn đỏ hoặc đi vào làn đường của xe buýt nhanh BRT. Cơ sở hạ tầng giao thông cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Phát sinh điểm ùn tắc mới
Kể từ khi tuyến đường số 1 thuộc dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An - đoạn từ cầu Bươu (đường 70) đến Nguyễn Xiển (vành đai 3) được đưa vào khai thác thì phương tiện từ đường Nguyễn Xiển dồn về đoạn nối từ nút giao của tuyến đường số 1 với đường 70 đến rẽ vào khu đô thị Xa La khiến đoạn đường này thường xuyên ùn tắc. Dưới cái nắng nóng như đổ lửa của những ngày hè cộng với khói bụi, tiếng ồn, những “cục” phương tiện dồn ứ trên đường trở thành món “đặc sản” hành hạ người dân trong khu vực bất kể ngày đêm.
“Xe từ đường Nguyễn Xiển đổ về đây khiến đoạn đường này ùn tắc trầm trọng, 6 giờ sáng ra đường đã thấy ùn tắc rồi, chiều thì tắc từ 3 giờ chiều đến 6 giờ tối, cả tuần chỉ được mỗi ngày chủ nhật là thông thoáng. Đường chật hẹp nhưng 4 làn ô tô dàn hàng ngang, xe máy xen kẽ, lao cả lên vỉa hè để đi. Đây cũng là tuyến đường rất đông xe tải đi vào các khu đô thị Xa La, Văn Phú, có cả xe buýt, xe khách, tập trung nhiều nhất từ 2 - 5 giờ chiều, không chỉ gây ra ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến chất lượng không khí và cuộc sống của người dân”, chị Hương bán quán nước ven đường 70 chia sẻ.
Người dân bám mặt đường mưu sinh ở khu vực này mặc dù bị ảnh hưởng bởi những hệ lụy của tắc đường song vẫn phải chấp nhận. “Tắc kéo dài từ cầu Tó đến ngã ba Xa La. Thành phố và các ngành chức năng sớm có giải pháp để xử lý điểm đen ùn tắc này cho người dân đỡ khổ”, chị Hương đề xuất.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong số 34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm năm 2020 có 33 điểm chuyển tiếp năm 2019 và 1 điểm mới phát sinh từ quý I/2020 tại nút giao đường 70 với đường bao quanh Khu tưởng niệm doanh nhân Chu Văn An.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội là một bài toán khó và phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là sự tuân thủ quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân. Vì vậy các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả.
“Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp xử lý các điểm ùn tắc giao thông đang tồn tại và chủ động phát hiện sớm, xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới phát sinh trên địa bàn”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết.
Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp