Giải phóng Thủ Đô 10/10/1954: Những chuyện bây giờ mới kể

Tiếp quản Sở Trước bạ

Hà Nội có Sở Trước bạ và quản thủ điền thổ do người Pháp lập ra từ những năm đầu thế kỷ XX khi tiến hành mở mang thành phố (vì vậy sở mang tên quản lý ruộng đất - điền thổ - chứ chưa phải quản lý nhà đất như tên gọi ngày nay). Bên cạnh đó là Sở Địa chính phụ trách đất đai cả xứ Bắc kỳ. Lại có phòng Pháp chế nhà cửa tại tòa Thị chính nơi người dân đến giao dịch mua bán bất động sản.

Nhân dân Hà Nội mừng đón đoàn quân giải phóng ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu


Tháng 9/1954, cơ sở báo cho cán bộ ta biết đối phương có âm mưu mang theo vào Sài Gòn tất cả những hồ sơ, tài liệu về nhà đất Hà Nội. Những hồ sơ gốc này được bảo mật và sắp xếp trong những ô, ngăn tủ chuyên dụng, đảm bảo yêu cầu tra cứu sử dụng tiện lợi. Vậy mà tất cả những hồ sơ nhà cửa đất cát sở hữu công và tư nhân, qua đó có thể vẽ lại chân dung diện mạo Thăng Long Hà Nội xưa, đang bị đóng hòm, chuyển xuống Hải Phòng rồi lên tàu thủy đưa vào Nam. Mục đích thâm hiểm của đối phương là sẽ gây cho Hà Nội rối loạn về quản lý nhà đất. Mất hồ sơ gốc thì người dân sẽ dựa vào đâu, chính quyền sẽ dựa trên cơ sở nào để hoạch định phát triển thành phố, để giải quyết những vụ phân chia tài sản, tranh chấp nhà cửa đất đai? Người dân sống ở nhà quê phải có ruộng vườn, ở thành thị phải có nhà đất. Không một tấc cắm dùi là câu tục ngữ nói lên sự gắn bó mật thiết giữa đất với người.

Bất chấp mọi hiểm nguy, những người làm việc ở sở quản lý điền thổ đã bí mật mang từng chồng hồ sơ đi phân tán cất giấu. Cho đến khi ô tô nhà binh xịch đỗ trước cổng sở thì nhân viên vắng mặt, những hòm tài liệu rõ ràng được khóa, niêm phong cẩn thận đã không cánh mà bay! Vậy mà đúng ngày quy định, khi cán bộ ta về tiếp quản thì các công chức, nhân viên Sở Trước bạ và quản lý điền thổ có mặt đông đủ và các hòm, gói, cặp hồ sơ nhà đất được chở tới cơ quan, sắp xếp gọn gàng trật tự như cũ, trong các ngăn, tủ đúng theo quy tắc quản lý tiên tiến, khoa học, văn minh. Và bất ngờ, ông giám đốc Sở Trước bạ Trần Văn Du xuất hiện, bàn giao cho cán bộ tiếp quản toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tài sản của sở. Mấy ngày qua ông phải đi trốn vì lo bị ngụy quyền bắt vào Sài Gòn, cho dù được hứa hẹn đi theo họ thì sẽ được trọng dụng, lương tăng cao hơn rất nhiều. Và chính ông, những ngày qua đã cùng nhân viên tích cực cất giấu, phân tán những bộ hồ sơ vô giá.

Mấy ai biết những người làm việc trông coi giấy tờ sổ sách điền thổ một thời chưa xa ấy đã lặng lẽ góp phần nhỏ bé vào thành công to lớn tiếp quản thủ đô và cũng nhờ đó, việc quy hoạch mở mang thành phố, công tác quản lý nhà đất ở Hà Nội những năm sau này được nền nếp, ổn định, để lại tín xác cho những “sổ đỏ” hôm nay.

Trong số công chức lưu dung (danh từ chỉ những người làm việc dưới chế độ cũ ở lại làm việc sau ngày giải phóng thủ đô) duy nhất có ông Du được Ủy ban Hành chính Hà Nội giữ nguyên chức giám đốc sở. Gia đình ông cũng được công nhận là “cơ sở kháng chiến”, được tặng bằng khen.

“Không phải gạo đâu”

Hà Nội giải phóng được 15 ngày thì dân thành phố nhao lên vì… thiếu gạo ăn. Bề ngoài không khí vẫn vui tưng bừng. Cổng chào dựng khắp nơi, cờ đỏ sao vàng, đèn hoa kết treo lộng lẫy. Tiếng hát sol lá sol, đêm múa sạp vui tưng bừng. Nhưng gạo?...

Những năm người Pháp tạm chiếm Hà Nội, các gia đình được ăn gạo “bông” từ Sài Gòn chở ra. Nhiều người chê gạo bán theo sổ nhân khẩu tuy rẻ nhưng thổi không ngon cơm nên vẫn đong gạo quê từ các “đại lý” có nguồn từ lính ngụy ăn cướp chở về và từ bà con nông dân ngoại thành gánh vào bán lẻ. Lúc này, Hà Nội thiếu gạo! Bọn đầu cơ thính nhạy tung tin gây hoang mang. Các nhà giàu tích trữ gạo. Giá gạo tăng vòn vọt. Đài nước ngoài đưa tin chính phủ Hồ Chí Minh để dân đói!

Theo ngành lương thực báo cáo thì ta không thiếu lương thực. Nhưng khó khăn trước mắt vì các kho của nhà nước chỉ trữ thóc, việc xay xát dựa vào thủ công. Phương tiện vận chuyển rất thiếu thốn. Những người gánh gạo bán rong chẳng hiểu sao mất hút sau ngày tiếp quản. Mà tâm lý người tiêu dùng ở thành phố mới giải phóng rất dễ bị kích động.

Thế rồi… Thật đáng ngạc nhiên, người ta thấy từng đoàn ô tô chở gạo về các kho trong nội thành. Những kho gạo mậu dịch mới đặt thêm ở phố hàng Chiếu, hàng Khoai gần chợ Đồng Xuân chợ Bắc Qua, ga xe lửa đầu cầu Long Biên là nơi ngày đêm rất đông người tụ họp buôn bán. Theo đoàn xe tải là những anh bộ đội áo xanh mũ nan giày vải. Các anh khuân những bao đay căng phồng, nặng trịch, xếp cao tận nóc kho. Nhìn kho, nhìn gạo, các bà nội trợ bảo nhau:

- Cứ nghe tin đồn nhảm nữa đi!

Chẳng ai đong gạo tích trữ nữa, việc làm này bị dư luận lên án mạnh mẽ. Nhưng cái chính là có thêm nhiều cửa hàng bán lẻ cho khách mua dễ dàng, mua không hạn chế. Người ta còn bảo nhau:

- Ra cảng Phà Đen mà xem, hàng trăm tấn gạo phủ bạt nằm chờ ô tô chuyển vào kho kia kìa.

Chính các bà nội trợ là những người “làm công tác tư tưởng” hiệu quả nhất. Chỉ trong ít ngày, thị trường lương thực ổn định, lòng dân yên.

Là một trong những người được “trưng dụng” tham gia công tác đột xuất ngày ấy, người viết bài này quen bác công nhân bát tê (ngày nay gọi là cửu vạn) biệt danh tên Ba Tạ vì trong một cuộc thi tài ông đã vác nổi trên vai ba tạ gạo. Ba Tạ nốc rượu như uống nước lã, thuộc Kiều, mê truyện Tam quốc. Chiều tà trên phố hàng Muối, ông Ba Tạ mượn chén tự hào khoe mình góp phần phục vụ “chiến dịch” chạy gạo cho dân Hà Nội ngày đầu tiếp quản. Bất chợt ông vỗ đùi khen:

- Cụ Hồ thánh thật! Việt Minh giỏi thật!

Rồi ông ghé tai tôi, nói nhỏ:

- Phục các anh sát đất. Tình cờ… tôi phát hiện có nhiều bao không phải là bao gạo!

Một đời làm phu khuân vác, cái vai ông chạm vào bao tải là biết bên trong đựng gạo hay những hạt không phải gạo. Nhưng ông đã giữ kín điều mình biết rõ, vì một điều gì đấy hết sức thiêng liêng.

Hôm nay, tự nhiên ngồi nhớ đến ông Ba Tạ. Ông là người đã góp phần giữ cho dân tình thành phố này yên ổn trong những ngày đầu chính quyền ta tiếp quản thành công. 55 năm đã qua, xin kể lại chuyện này.

Lê Văn Ba (Cựu tù Chính trị Hỏa Lò)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN