Giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn (Bài 2)

“Những năm qua, tỷ lệ dân số nông thôn ở nước ta giảm không đáng kể, vẫn ở trong khoảng 72% dân số cả nước. Trình độ học vấn thấp, chuyên môn kỹ thuật hạn chế là những trở ngại làm giảm khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm của lao động nông thôn”- TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết.

Bài 2: Khó tiếp cận cơ hội việc làm

Áp lực thiếu việc gia tăng


Việc làm của lao động nông thôn vốn gắn liền với ruộng đất. Việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã kéo theo diện tích đất canh tác của người nông dân giảm đi. Điều đó dẫn đến thực tế: Nếu như trước kia, thất nghiệp ở đô thị thường cao hơn, chuyện thiếu việc làm phổ biến hơn ở các vùng nông thôn thì nay thực trạng đất nông nghiệp thu hẹp khiến tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng tại khu vực nông thôn. Đó là những kết luận quan trọng được nêu trong báo cáo xu hướng việc làm 2009 - 2010 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện.

Theo kết quả một nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội, tỷ lệ người lao động thiếu việc làm ở nông thôn đang tiếp tục tăng phần nào minh chứng cho điều đó. Giai đoạn khoảng 10 năm trước năm 2007, tỷ lệ lao động nông thôn thiếu việc làm là 82%. Đến năm 2007, tỷ lệ này tăng lên 89%.

Trong bối cảnh đó, lại thêm một lượng lớn người lao động di cư từ các nơi, người đi xuất khẩu lao động về nước trước thời hạn càng đẩy tình hình “khát” việc của lao động nông thôn lên cao. Một điều tra của Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa năm 2009 cho thấy: Ở 4 tỉnh Nam Định, Lạng Sơn, Bình Thuận và An Giang, trong thời gian diễn ra cuộc suy thoái kinh tế thế giới, đã có 21,7% lao động di cư mất việc làm, phải về quê. Chỉ 11,3% số đó tìm được việc làm mới.

Dạy nghề cho lao động nông thôn.


“Theo xu thế, cơ cấu kinh tế nước ta chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp. Do đó, lao động nông thôn là một trong những nhóm đối tượng yếu thế sẽ gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm ổn định”, ông Nguyễn Đại Đồng - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh.

Lực cản từ kỹ năng nghề thấp

Diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, cơ hội sống được bằng nghề nông trên ruộng đất cũ ngày càng ít đi, người nông dân phải chuyển sang tìm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy. Một trong những nguyên nhân đầu tiên cản trở quá trình lao động nông thôn chuyển việc là trình độ học vấn và kỹ năng nghề thấp.

Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước được nêu trong báo cáo xu hướng việc làm năm 2009- 2010, kỹ năng nghề thấp, trong bối cảnh khoa học và công nghệ không ngừng tiến bộ và đầu tư phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, người nghèo ở nông thôn ít có việc làm hơn. Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2009, số lao động đã qua đào tạo gồm cả đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm chưa đến 1/5 trong tổng số lực lượng lao động của nước ta. Điều đáng nói là tỷ lệ dân số hoạt động kinh tế có trình độ đại học trở lên của thành thị cao hơn khu vực nông thôn gấp 7 lần.

Trình độ học vấn không cao khiến người lao động nông thôn cũng khó tìm việc ở ngay chính trên quê hương họ khi có một dự án khu công nghiệp mọc lên. Trong nghiên cứu về tỉnh Ninh Bình, TS Dương Đình Giám cho biết: “Trong tổng số hơn 14.000 lao động bị mất việc làm do mất đất, chỉ có 17,6% có trình độ trung học phổ thông, số còn lại (82,4%) trình độ từ trung học cơ sở trở xuống, chưa qua đào tạo nghề và không đáp ứng được yêu cầu các khu công nghiệp. Thế nên, mặc dù có 57 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động ở tỉnh Ninh Bình nhưng từ năm 2006 - 2009, các doanh nghiệp mới chỉ thu hút được 2.940 lao động địa phương vào làm (đạt 14,1% yêu cầu của chính quyền nơi đây).

Còn đối với nhóm người dân nông thôn di cư lên thành thị, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, họ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm được việc làm có chất lượng. “Họ có thể bị buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn trong điều kiện làm việc tồi tàn”, bà Hương nói.

Khả năng tạo việc làm còn hạn chế

Bên cạnh những yếu tố chủ quan từ phía người lao động nói trên, một nguyên nhân khiến lao động nông thôn khó tìm việc còn xuất phát từ những yếu tố khách quan khác. Theo các chuyên gia về lao động và việc làm của Viện Khoa học lao động và xã hội, mặc dù trong thập kỷ qua, nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, đầu tư tăng trưởng mạnh nhưng trên thực tế, khả năng tạo việc làm còn tương đối hạn chế. Trong dự thảo chiến lược an sinh xã hội 2011 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn nhìn nhận: Các nhóm chính sách hỗ trợ về đào tạo và dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho nhóm lao động dễ bị tổn thương còn chưa hiệu quả; hệ thống thông tin tư vấn giới thiệu việc làm còn thiếu, chưa phát triển đến các vùng nông thôn; đặc biệt thiếu cơ sở đào tạo ở các vùng nông thôn khó khăn (số cơ sở hiện có chỉ đáp ứng được khoảng 10% so với nhu cầu ở những vùng khó khăn).

Bên cạnh đó, cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, việc giải quyết việc làm và chuyển đổi sinh kế cho bộ phận lao động đặc thù (trong đó có dân cư nông thôn có đất phải chuyến đổi mục đích sử dụng) còn chưa thực sự hiệu quả dẫn đến một bộ phận người lao động không tìm được việc làm mới, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập bấp bênh.

Từ thực tế này, các nhà nghiên cứu cho rằng việc xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển việc làm là thực sự cần thiết. “Chiến lược này cần gắn kết với các chính sách phát triển kinh tế và đầu tư lớn với mục tiêu chủ yếu nhằm tạo thêm nhiều việc làm trong các ngành có năng suất lao động cao, thúc đẩy chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp và từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực chính thức; phát triển việc làm phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn và hỗ trợ lao động nông thôn học nghề mới”, nhóm tác giả thực hiện báo cáo xu hướng việc làm 2009- 2010 khẳng định.

Mạnh Minh

Bài 3: Chuyện tạo việc làm cho nông dân Hải Đường

Giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn (Bài 3)
Giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn (Bài 3)

Với việc mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đang được triển khai, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) là một trong những địa phương điển hình về việc đã và đang tiếp tục thu hút nhiều lao động di cư từ các thành phố lớn quay trở về quê hương làm việc, ổn định cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN