Bài 1: Giảm ùn tắc nhờ 'đánh vào kinh tế'
Việc thu phí các phương tiện vào nội đô Hà Nội không phải để tăng thu ngân sách, mà là để người dân lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp với nhu cầu đi lại, đáp ứng yêu cầu tổ chức giao thông chung của thành phố.
Thu phí nội đô không chỉ riêng cho Hà Nội
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Hà Nội nghiên cứu xây dựng đề án thu phí vào nội đô. UBND thành phố đã giao cho Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối cùng các đơn vị liên quan xây dựng đề án.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, đề án thu phí vào nội đô sẽ thu đối với nhóm phương tiện đi vào những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc và ô nhiễm.
Hà Nội đang bắt tay vào việc xây dựng khung đề án thu phí vào nội đô. GTVT Hà Nội đang cùng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu mô hình thu phí đang triển khai tại các đô thị lớn của các nước trên thế giới. Dù mô hình đang trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng việc thu phí vào nội đô được yêu cầu là phải đảm bảo mục tiêu: Giảm ùn tắc giao thông cũng như giảm ô nhiễm môi trường; phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; điều chỉnh thói quen sử dụng phương tiện giao thông, cũng như lựa chọn những tuyến đường tham gia giao thông phù hợp.
Lý giải về nguyên nhân xây dựng riêng đề án thu phí này, ông Vũ Văn Viện cho biết: HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND (ngày 4/7/2017) thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030", trong đó có giải pháp thu phí các phương tiện giao thông đường bộ vào các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cao.
Tuy nhiên, theo Luật Phí, lệ phí được Quốc hội thông qua, thì việc thu phí các phương tiện giao thông vào nội đô chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí. Vì vậy, HĐND thành phố đã có nghị quyết giao cho UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo. Thực hiện nghị quyết này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng cũng đã giao cho các bộ, ngành liên quan.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã có báo cáo đề xuất Thủ tướng và Thủ tướng đã đồng ý để Hà Nội xây dựng đề án này. Theo đó, Thủ tướng sẽ xem xét quyết định trình Quốc hội để có thể bổ sung thu phí của các phương tiện giao thông vào nội đô của các tỉnh, thành phố không chỉ riêng cho Hà Nội.
Trong báo cáo thẩm định của Bộ Tài chính trình Thủ tướng, không chỉ có Hà Nội mà các tỉnh, thành phố có những mục tiêu, yêu cầu chung (như TP Hồ Chí Minh) cùng nghiên cứu đề án này để trình Thủ tướng Chính phủ. “Do đó, việc xây dựng đề án thu phí vào nội đô không chỉ riêng của Hà Nội, mà sẽ bao gồm cả những thành phố khác”, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Nghiên cứu các vấn đề sẽ phát sinh
Dù mới đang ở giai đoạn làm đề án nghiên cứu, nhưng nhiều người cho rằng việc Hà Nội thu phí vào nội đô sẽ dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”, nhất là phí môi trường đã thu qua xăng dầu. Bên cạnh đó, dù gánh đến gần chục loại phí, nhưng chất lượng cơ sở hạ tầng không cải thiện, không tương xứng với đồng tiền bỏ ra.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Đây là cách làm được một số đô thị lớn trên thế giới áp dụng và có thành công nhất định. Tuy nhiên, muốn thành công thì phải có sự đồng bộ về công nghệ thông tin, liên thông với ngân hàng và sự minh bạch tiền thu được từ phí chống ùn tắc sẽ đầu tư ra sao vào hạ tầng, điều tiết giao thông...
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng, để thu phí vào nội đô như Hà Nội liên quan đến hàng loạt quy định pháp luật của Nhà nước, thời điểm thu, khu vực nào được thu, ai là người giám sát?
“Một trong những yêu cầu của việc thu phí này là làm sao để không xáo trộn đến đời sống, thì các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân, nên người dân vẫn phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy. Nếu các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao chưa đáp ứng được, mà thu phí ngay sẽ rất bất cập”, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ chia sẻ.
Với nhiều ý kiến dư luận đang quan tâm hiện nay về đề án này, ông Vũ Văn Viện cho biết: Việc thu phí sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Tất cả các loại xe khi đi vào khu vực thu phí đều phải thu, không phân biệt xe ngoại tỉnh hay xe của Hà Nội. Bên cạnh đó, việc thu phí phải hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong các khu vực chịu tác động. Trong quá trình triển khai phải có giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn khi tổ chức thu phí.
Do đó, Sở GTVT Hà Nội cũng nghiên cứu đến các vấn đề sẽ phát sinh khi triển khai bao gồm: Phạm vi, đối tượng thu phí. “Khi đã xác định được phạm vi, đối tượng thì chúng ta phải phân vùng và tổ chức giao thông thế nào để bảo đảm cho những người không muốn trả phí vẫn có đường để đi. Tức là phải có phương án tổ chức kết nối giao thông hiệu quả để bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân. Mức thu phí thế nào là vừa phải cũng cần được nghiên cứu cho phù hợp”, ông Viện thông tin.
“Phí ô nhiễm môi trường được thu trong xăng dầu và có nhiều đối tượng sử dụng xăng dầu khác nhau phải chịu loại phí này. Tuy nhiên đối tượng thu phí vào khu vực nội đô nằm trong khu vực hạn chế để chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đề nghị của thành phố, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xem xét đưa ra một loại phí mới, đó là phụ thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông. Đây cũng đang là vấn đề phải nghiên cứu. Đối với các nước, phương tiện giao thông càng gây ra mức độ ô nhiễm, thì càng có mức phí cao đánh vào để bảo đảm người tham gia giao thông phải cân nhắc lựa chọn sử dụng những phương tiện giao thông sạch, thông minh, qua đó hạn chế các phương tiện phát thải khí gây ô nhiễm”, ông Vũ Văn Viện cho biết.
“Khi trình Quốc hội cho phép thu khoản phí này thì cũng sẽ có quy định kèm theo về việc được sử dụng nguồn thu. Việc này hoàn toàn tuân thủ theo các quy định về quản lý tài chính ngân sách. Như vậy tôi tin là sẽ bảo đảm công khai minh bạch”, ông Viện nói thêm.
Dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu. Theo báo cáo của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT), ùn tắc giao thông tại Hà Nội gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD (khoảng 23.300-27.900 tỷ đồng) mỗi năm, trong khi không khí ô nhiễm gấp 5 lần.
Bài 2: Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng