Trao đổi vấn đề này với phóng viên báo Tin tức, luật sư Mai Dung, Giám đốc Công ty Luật Việt Phương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Về việc thu mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) bị xử lý như thế nào phải xem xét mục đích của họ thu mua để làm gì.
Nếu việc mua bán, thu gom sổ BHXH của người lao động để chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hoặc để gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hay làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là hành vi bị cấm tại tại Điều 17 - Luật BHXH 2014.
Người có hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. Nếu hành vi vi phạm kể từ ngày 15/4/2020 thì bị xử phạt theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 214-Bộ luật hình sự 2017 về “Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp”, nếu hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội danh này như lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH. Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Quy định định cụ thể như sau “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp từ 10 triệu đồng đến đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù nếu chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng và cấm làm một công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Đối với hành vi lập trang Facebook giả mạo cơ quan chức năng để thu mua sổ bảo hiểm có thể có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng năm 2019. Được quy định tại khoản 1, Điều 8 và điểm c khoản 1 Điều 18 – Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có “giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Người giả mạo có thể bị phạt tiền theo điểm đ, khoản 3, Điều 64 - Nghị định số 174/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Nếu hành vi vi phạm kể từ ngày 15/4/2020 thì bị xử phạt theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) với mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.