Theo đánh giá Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một bộ phận người lao động (NLĐ) đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và có chiều hướng gia tăng. BHXH Việt Nam cho rằng, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và về lâu dài.

Đời sống khó khăn nên nhiều người rút BHXH một lần

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn lao động, số người rút BHXH một lần thời gian gần đây gia tăng ở các tỉnh thành phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Lao động đến nhận BHXH một lần tại BHXH Bình Dương.

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh Bình Dương, trong 2 tháng gần đây, lượng hồ sơ giải quyết hưởng BHXH 1 lần toàn tỉnh khoảng 10.835 hồ sơ với số tiền chi trả hơn 435 tỷ đồng; tăng 3.039 hồ sơ và hơn 156 tỷ đồng chi trả so với cùng kỳ năm 2019. Lý do được đa số người đi rút BHXH một lần đều vì đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, từ đầu năm đến trung tuần tháng 4/2020 đã có trên 12.110 trường hợp nộp hồ sơ xin giải quyết BHXH 1 lần. Nếu như tháng 1, số người nộp hồ sơ nhận BHXH 1 lần là hơn 2.200, thì tháng 2, tăng lên hơn 3.600, đến tháng 3 tiếp tục tăng gần 5.850. Còn 10 ngày đầu tháng 4 đã có hơn 400 hồ sơ nộp rút BHXH một lần.

Đơn cử như trường hợp chị Trương Thị Hà ở TP Thuận An (Bình Dương) quyết định mang sổ BHXH đã đóng hơn 10 năm trong quá trình làm việc trước đó của mình đi đăng ký hưởng chính sách một lần, để có tiền trang trải cuộc sống hiện tại. Với chị Hà đây là một quyết định mà mình không hề mong muốn. Chị Trương Thị Hà chia sẻ: Do kinh tế khó khăn, nên phải mang sổ BHXH đi rút BHXH một lần, dù biết là thiệt thòi, nhưng chưa có giải pháp nào hơn để khắc phục khó khăn hiện nay.

Anh Cao Hữu Lành (sinh năm 1994) ở phường Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa nghỉ việc tại công ty TNHH Global Dyeng, làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp và nhận BHXH một lần sau thời gian tham gia hơn 7 năm. Anh Lành cho biết: Lý do rút BHXH một lần là để lo trang trải công việc gia đình.

Nguyên nhân rút BHXH một lần được nhiều người đưa ra là do quá khó khăn trước dịch COVID-19.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thu Đào, công nhân một công ty may mặc ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh quyết định nhận BHXH một lần vì hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài, không có lương, nên chị phải tìm giải pháp để có ngay một khoản chi tiêu. Đồng cảnh ngộ với chị Đào, chị Nguyễn Thị Thúy Nga, quận 3, TP Hồ Chí Minh cũng rút BHXH một lần vì nghỉ việc, không có nguồn thu, rút BHXH để làm của để dành...

Tất cả những người rút BHXH một lần trước khi rút đều qua tư vấn của BHXH. Tất cả đều được giải thích về quyền lợi khi tham gia BHXH như giải quyết các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất, hưu trí… Chính vì vậy, nếu nhận BHXH một lần khi tạm thời nghỉ việc, người lao động sẽ thiệt thòi hơn so với lựa chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp chờ có việc làm được đóng tiếp BHXH, để sau này đủ điều kiện hưởng lương hưu. “Nếu chỉ vì cần một khoản tiền trước mắt mà từ bỏ quyền lợi lâu dài về sau là hết sức mạo hiểm, nhất là khi phía trước phải đối mặt với khoảng trống về tiền bạc hàng chục năm khi hết tuổi lao động”, đại diện BHXH Bình Dương cho biết.

Lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài

Việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), mỗi năm, Việt Nam phát triển mới khoảng 1 triệu người tham gia BHXH, nhưng rút BHXH một lần, tức là rời khỏi hệ thống an sinh lên tới hơn 700.000 người. Hiện tượng này gia tăng trong những tháng đầu năm nay do tác động của dịch COVID-19 là điều đáng lo ngại.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết: Người hưởng trợ cấp BHXH một lần sẽ không có những quyền lợi như người nhận lương hưu ví dụ, hưởng lương hưu hàng tháng, khi chết được gia đình được hỗ trợ tiền mai táng phí, được chi trả phí chăm sóc y tế gần như hoàn toàn. Do đó, NLĐ phải cân nhắc trước khi quyết định nhận BHXH một lần. Trong thời điểm này, nếu tạm thời thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp.

Còn theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH Đồng Nai: Việc rút BHXH một lần tự tước quyền lợi của mình về hưởng lương hưu, BHYT… Đồng thời, cũng để lại gánh nặng xã hội, bởi bình quân mỗi năm Chính phủ chi hơn 3.000 tỷ đồng chi trả cho người cao tuổi không có lương hưu. Do đó, rút BHXH một lần ảnh hưởng về lâu dài.

Về giải pháp trước mắt, hiện Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh, trong có có đối tượng công nhân lao động. Do đó, trong thời điểm hiện nay, NLĐ cần ý thức được vấn đề, cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần, để không bị thiệt thòi về quyền lợi lâu dài.

Về vấn đề này, theo BHXH Việt Nam, do gặp khó khăn khi tìm lại việc làm trong thời điểm dịch COVID-19, NLĐ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ chưa hình thành thói quen tự đảm bảo an sinh khi về già, đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái.

Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy, NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động. Hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít, nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

Bên cạnh đó, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ (BHYT) miễn phí và được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.

Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may bị chết, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định.

Ngoài ra, việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi lớn, khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Mặt khác, người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu, thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.

Tư vấn cho người lao động trước khi rút BHXH một lần.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Việc cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần là điều hết sức quan trọng với NLĐ, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ Gói an sinh của Chính phủ. Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, nền kinh tế tiếp tục được vận hành, NLĐ có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

“Chúng ta phải đa dạng hình thức truyền thông để làm chuyển biến nhận thức của cả xã hội về bản chất tốt đẹp và nhân văn của trụ cột an sinh xã hội này. Khi NLĐ nhận thức đúng và tự họ quyết định để coi BH hưu trí tử tuất như là của để dành tích lỹ cho tuổi già, tránh phụ thuộc vào con cái và Nhà nước và cũng chính là trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng xã hội”, ông Lợi khẳng định.

Xuất hiện đối tượng thu gom sổ BHXH để trục lợi

Do tình hình rút BHXH một lần gia tăng thời gian gần đây, một bộ phận NLĐ thất nghiệp đăng ký nhận BHXH một lần. Để rút nhanh chóng, tại các tỉnh thành phía Nam xuất hiện tình trạng đối tượng thu gom sổ BHXH. Những đối tượng này còn giả mạo tên cơ quan chức năng để thu gom trục lợi.

Đối tượng Ngô Thị Thúy Kiều tại Cơ quan Công an. Ảnh: TTXVN phát.

Người lao động cần cảnh giác, vì nếu nhận BHXH một lần, bản thân NLĐ đó đã ra khỏi hệ thống mạng lưới an sinh xã hội, mất đi nhiều quyền lợi lâu dài mà mình đáng được hưởng sau thời gian dài đóng bảo hiểm xã hội.

Ngay sau khi nhận phản ánh từ báo Tin tức và truyền thông về tình trạng giả mạo, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Bình Dương triệu tập hai đối tượng để làm rõ hành vi mạo danh, thu mua sổ BHXH, trục lợi bất chính. Hai người bị triệu tập là Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt, cùng sinh năm 1990 (Quận 12, TP Hồ Chí Minh).

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, thời gian qua, lợi dụng ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên mạng xã hội xuất hiện một số tài khoản mạo danh cơ quan bảo hiểm, trong đó có BHXH tỉnh Bình Dương để đăng tải thông tin, chèo kéo công nhân bán sổ BHXH. Qua xác minh, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định được hai đối tượng Kiều và Việt có hành vi trên nên triệu tập lên làm việc. Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi của mình.

Theo điều tra ban đầu, Kiều và Việt đã lập tài khoản Facebook giả danh mang tên "BHXH Bình Dương", "Thu mua sổ bảo hiểm giá cao", "Tư vấn BHXH"..., công bố thu mua nhiều sổ bảo hiểm của công nhân. Khi công nhân hết tiền hoặc ngại đến cơ quan bảo hiểm để làm thủ tục và nhận tiền, liên hệ với các đối tượng qua mạng xã hội hoặc số điện thoại đăng trên mạng xã hội để bán sổ BHXH.

Hiện, Cơ quan Công an đã thu giữ hàng chục sổ BHXH, cùng nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan để mở rộng công tác điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), tình trạng trục lợi sổ BHXH đã xuất hiện. Kẻ xấu lợi dụng NLĐ cần tiền nhanh đã lập trang fanpage giả mạo danh nghĩa thu mua sổ BHXH với giá cao, rồi o ép và trục lợi. Những đối tượng này nhắm tới là những NLĐ thiếu hiểu biết về quyền lợi BHXH.

“Do đó, phía cơ quan BHXH cũng cần tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm việc mua bán này. Bởi thực tế, việc thu mua này tập trung vào một số đối tượng, nên nếu nhận thấy những những giấy ủy quyền tập trung vào những đối tượng này thì có thể điều tra xử lý”, ông Quảng cho biết.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành công văn yêu cầu các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ, khuyến cáo NLĐ chỉ đề nghị hưởng BHXH một lần trong trường hợp bất khả kháng.

Thực hiện: Xuân Minh
Clip, ảnh: Xuân Minh - Trung Nguyên- CTV

28/04/2020 02:12