Gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp bị phạt 400 triệu đồng

Ngày 22/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) số tiền 400 triệu đồng về hành vi gây sự cố môi trường.

Quyết định cũng buộc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh phải nộp số tiền phạt kể trên vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước Tây Ninh trong thời hạn 10 ngày; đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Nếu không chấp hành theo quy định sẽ bị cưỡng chế.

Trước đó, ngày 6/5/2015 Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra, lấy mẫu nước thải sau xử lý của Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành (nằm trong khu công nghiệp Trảng Bàng) và Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Trảng Bàng.

Kết quả, 8/8 chỉ tiêu nước thải sau xử lý của Công ty Trần Hiệp Thành đều đạt cột A-QCVN 40: 2011/BTNMT; 3/8 chỉ tiêu nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý tập trung khu công nghiệp Trảng Bàng vượt cột A-QCVN 40: 2011/BTNMT. Cụ thể, chỉ tiêu COD vượt 1,2 lần, chỉ tiêu N tổng vượt 1,2 lần, chỉ tiêu P tổng vượt 1,4 lần.

Theo giải trình của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh (Chủ đầu tư của Khu công nghiệp Trảng Bàng), hệ thống xử lý nước thải của công ty có công suất thiết kế 5.000m3/ngày. Lý do có 3 chỉ tiêu nước thải của không đạt quy chuẩn sau khi xử lý là do ống dẫn chất trợ lắng của nhà máy bị nghẹt, công ty chậm phát hiện.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, sau khi phát hiện sự cố, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp đã nhanh chóng khắc phục và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc vi phạm, nên ngành chức năng kiến nghị UBND tỉnh không áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp từ 3 đến 6 tháng theo quy định.

TTXVN/Tin Tức
Ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hải Dương
Ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hải Dương

Hải Dương hiện có 65 làng nghề với nhiều nghề phong phú, đa dạng từ đồ gỗ, chạm khắc gỗ, thêu ren, chế biến thực phẩm, bún, bánh đa, đến các làng nghề cơ khí, sản xuất hương, sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là vấn đề bức xúc với nhiều mức độ khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN