Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Năm 2022, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 39.700 lao động; phấn đấu tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 46%, tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo đạt 53% và tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 5-6%.

Chú thích ảnh
Cà Mau đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hoá… đáp ứng cho sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Trong ảnh: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Thới Bình. Ảnh minh họa: Huỳnh Anh/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, tỉnh đang quan tâm tạo việc làm cho lao động theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động ở các huyện, thành phố để góp phần giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giải quyết việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh; đồng thời, phát triển thị trường lao động hài hòa, ổn định, duy trì và mở rộng các hình thức tạo việc làm tại chỗ, đưa lao động của địa phương đi làm việc ngoài tỉnh, khuyến khích lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tỉnh Cà Mau định hướng rõ việc đào tạo nghề, liên kết đào tạo nghề phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu lao động trong tỉnh, khu vực, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương tổ chức thực hiện phân luồng đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên hiện đang theo học tại các trường Trung học Cơ sở; sớm hoàn thành sắp xếp cơ sở đào tạo nghề, tập trung đào tạo ngoại ngữ và đào tạo nghề chất lượng cao, trang bị kiến thức trình độ tay nghề, kỹ năng mềm cho người lao động để sẵn sàng nguồn nhân lực cung ứng, đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức về giải quyết việc làm cho lao động, các doanh nghiệp, các cấp, các ngành và tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tăng dần tỷ lệ lao động có việc làm trong tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tỉnh tập trung phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp nhằm tạo việc làm mới; sử dụng Quỹ Quốc gia về việc làm đúng mục đích, theo hướng tập trung, kịp thời và hiệu quả; khuyến khích thực hiện tốt các hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phát triển thị trường lao động, xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống thông tin thị trường lao động...

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện chính sách cho người lao động vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người lao động trên địa bàn tỉnh đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm; thực hiện cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, người lao động bị thu hồi đất theo quy định của Chính phủ.

Kim Há (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2022
TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2022

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN